Rốt cục hung thủ giấu mặt đã bị bắt giữ cùng tang chứng không thể phủ nhận. Đó là Alexander Pichushkin, 33 tuổi. Ngay trong những lần hỏi cung đầu tiên, hắn đã trơ trẽn thừa nhận là thủ phạm của 63 vụ án mạng trong vòng 15 năm (từ năm 1992 đến 2006). Nhưng tạm thời tòa chỉ xử về 49 vụ giết người và 3 vụ tấn công bất thành, bởi những vụ còn lại chưa đủ bằng chứng kết tội.
|
Hung thủ A. Pichushkin (trái) cùng một nữ nạn nhân. |
Ngoài 2 phụ nữ trẻ, đa phần nạn nhân của Pichushkin đều là những người đàn ông đứng tuổi. Đó là cách hắn muốn trả thù người cha không biết mặt nhằm bù đắp nỗi “tổn thương tâm lý trầm trọng”, bởi ông ta đã ruồng rẫy bỏ mẹ con Alexander khi hắn chưa đầy 1 tuổi.
Động cơ thứ hai là A. Pichushkin muốn phá “kỷ lục” của Andrei Chikatilo (1936-1994), tên sát nhân người Ukraine đã hèn hạ thủ tiêu 53 phụ nữ và trẻ em trong vòng 12 năm. Thậm chí Alexander chỉ mặc độc loại áo sơ mi kẻ sọc y chang “thần tượng” Chikatilo.
Cuối cùng chủ yếu là hung thủ muốn “kiếm đủ con số 64 nạn nhân - tương ứng với các ô trong bàn cờ vua”(!), như nguyên văn lời khai của hung thủ với các nhà điều tra sau khi bị bắt vào ngày 16-6-2006.
Nhiều người từng đánh cờ với A. Pichushkin trước khi thiệt mạng do chủ quan, bởi đơn giản họ chỉ nghĩ rằng đó là một con “mọt cờ” đang thư giãn trong công viên. Theo cáo trạng của Viện Công tố Moscow giữ quyền công tố tại tòa, thì bị cáo A. Pichushkin gây án chỉ nội trong địa bàn thuộc khu vực công viên Bitsa phía tây nam Moscow; cũng như sử dụng phương cách duy nhất là dùng búa, hoặc thanh sắt đập nát đầu nạn nhân.
Do bản tính hiếu thắng, đôi khi hắn còn để lại hiện trường một chai rượu vodka rỗng hiệu “Vles Vàng” nữa. Tình tiết này đã khiến giới tâm lý hình sự học đi đến kết luận, rằng đây là trường hợp giết người hàng loạt chỉ do một thủ phạm thực hiện. Nhưng hắn gây án cốt sao cho đủ “danh sách tương ứng với số ô cờ”, chứ không hề cướp của hay hãm hiếp các nạn nhân.
Đây lại thêm bằng chứng nữa về dạng vụ án mang tính chất “báo thù” đầy uất hận. Các nhân chứng sống sót đã kể lại, là họ thường được hung thủ mời uống một cốc vodka để “tưởng nhớ con chó cảnh yêu quý vừa bị mất”, rồi cùng chơi cờ và sau rốt là đi dạo…
Nạn nhân đầu tiên mà A. Pichushkin ra tay sát hại hồi đầu năm 1992 vốn là bạn cùng học. Sau khi cảnh sát niêm yết lệnh truy nã cùng chân dung mô phỏng thủ phạm khắp nơi, hắn bắt đầu thay đổi kiểu tóc liên tục.
Ngay cả cánh đồng nghiệp tại siêu thị nơi Alexander làm nhân viên vận chuyển, cũng không ngờ rằng đó là một tên sát nhân hàng loạt. Bản tính A. Pichushkin luôn khép kín không có bạn bè gần gũi, mê nhạc mạnh, với thói quen rửa tay ngay sau khi đụng vào bất cứ vật gì…
Trong 3 phụ nữ mà A. Pichushkin định sát hại, một người may mắn đã chạy thoát. Chính vụ ám hại một trong 3 cô gái này đã hé lộ chân tướng của hung thủ. Sau khi mời người đẹp đi dạo, hắn đã nhẫn tâm giáng tới 18 nhát búa vào đầu nạn nhân.
Trước đó cô gái đã cho cha mẹ mình biết số điện thoại của bạn trai mới quen. Họ liền cấp báo cảnh sát lục soát nơi ở của Alexander và hung khí được tìm ra. Điều đáng nói ở vụ sát nhân hàng loạt này, là các nhà điều tra đã mô tả rất chính xác chân dung tâm lý kẻ bị tình nghi trước khi “làm án”. Đó là một tên đàn ông cường tráng dưới 35 tuổi.
Hành vi gây thương tích vùng đầu các nạn nhân bởi ấn tượng từ một ca chấn thương não hồi nhỏ. Quả thực là năm lên 4 tuổi, A. Pichushkin bị ngã từ trên một chiếc ghế xích đu và đập đầu xuống đất, phải nằm viện điều trị một thời gian dài ảnh hưởng tới quá trình học hành về sau.
Tới năm 1989 khi mới 15 tuổi, hắn lại tiếp tục phải điều trị tại bệnh viện tâm thần trong nhiều năm liền do luôn “đau đầu như búa bổ”, nên được hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự. Sau đó Alexander sinh ra nát rượu, nhưng hắn vẫn thừa ranh mãnh để dụ dỗ các “con mồi”.
Cuối cùng, phiên tòa xử A. Pichushkin do thẩm phán kỳ cựu Vladimir Usov ngồi ghế chánh án đã kết thúc vào ngày 24-10-2007, khiến người dân trong vùng không còn bị ám ảnh vì tên giết người hàng loạt bí ẩn nữa, bởi A. Pichushkin đã bị Tòa án Moscow tuyên phạt mức án chung thân truất quyền ân giảm, với 15 năm đầu phải liên tục ở trong phòng biệt giam, cũng là khung hình phạt cao nhất chiểu theo Bộ luật Hình sự Liên bang Nga; riêng án tử hình đã chính thức được bãi bỏ từ năm 2002 trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Vladimir Putin.