Kim Jong Un chuyển hướng phát triển: Nỗi bất an xen giữa niềm lạc quan

Google News

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang quyết tâm chuyển hướng chiến lược tập trung hơn vào kinh tế, đẩy mạnh ngoại giao, tận dụng mọi sự nhượng bộ và tìm cách tự định đoạt số phận đất nước.

Bên bờ biển dưới chân núi Chilbo, So Myong Il thong thả bước đến bên bếp than đỏ lửa, nướng thêm vài con sò. Nhìn bãi biển tuyệt đẹp xung quanh mình, sau lưng là dãy núi cây cối phủ xanh lấn sát ra biển, anh không giấu được niềm vui trong ánh mắt.
So dường như quên mình là một cán bộ cấp cao tỉnh Bắc Hamgyong, Triều Tiên, có trách nhiệm tuyên truyền tiềm năng phát triển của vùng duyên hải này. Người cán bộ để cho vẻ đẹp của thiên nhiên nói thay lời mình.
"Chỉ cần chúng tôi còn sự lãnh đạo của tướng quân vĩ đại, tương lai đất nước sẽ vô cùng tươi sáng", So nói với phóng viên của hãng tin AP, đề cập đến nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un.
Kim Jong Un chuyen huong phat trien: Noi bat an xen giua niem lac quan
Kim Jong Un khảo sát nhà máy sản xuất quân lương vào tháng 7. Ảnh: KCNA.
So Myong Il hẳn không một mảy may hoài nghi về các quyết định của người quyền lực nhất đất nước. Triều Tiên đang đẩy mạnh chiến lược kinh tế mới, đồng thời tăng cường quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Mỹ để tìm thêm động lực cho phát triển.
Tuy nhiên, xen lẫn sự lạc quan là một chút gì đó e dè về tương lai Triều Tiên với những biến động khó lường về chính trị và xã hội, dù cho viễn cảnh sắp tới nhiều hứa hẹn hơn con đường chông gai mà nước này đã đi nhiều thập niên qua.
Cuộc chuyển mình
Tháng 1/2018, nhà lãnh đạo Kim Jong Un bất ngờ tuyên bố Triều Tiên đã hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân và sẽ bắt đầu chuyển sự tập trung sang các vấn đề khác. Phát triển kinh tế từ lâu luôn được ông xem là mục tiêu chủ đạo và dài hạn.
Trong vòng 7 năm lãnh đạo đất nước, Kim Jong Un đã mở cánh cửa cho yếu tố thị trường và tư duy khởi nghiệp phát triển tại đất nước vốn quen với nền kinh tế tập trung.
Các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng do ông Kim khởi xướng tạo nên một diện mạo mới cho thủ đô Bình Nhưỡng, với nhiều quận tập trung toàn nhà cao tầng. Đáng kinh ngạc nhất chính là sự chuyển mình của thành phố duyên hải Wonsan, nơi có dinh thự mùa hè của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông muốn biến thị trấn quê nhà trở thành một tâm điểm du lịch trong khu vực.
Kim Jong Un chuyen huong phat trien: Noi bat an xen giua niem lac quan-Hinh-2
Ủy viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Hamgyong giới thiệu về khu nhà nghỉ ven biển dưới chân núi Chilbo. Ảnh: AP.
Trong lúc Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 70 quốc khánh Triều Tiên 9/9, kế hoạch phát triển đầy tham vọng của ông Kim Jong Un cũng đang được xúc tiến ráo riết trên mọi nẻo đường của đất nước: Từ việc tân trang lại các tòa thị chính, đến chiến dịch huy động nhân lực khổng lồ biến thành phố Samjiyon trở thành một đầu tàu mới cho phát triển tại vùng biên giới phía bắc.
Căng thẳng với Mỹ chưa chấm dứt
Những dòng vốn và tri thức của các công ty Mỹ chính là "củ cà rốt" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tại cuộc thượng đỉnh lịch sử vào tháng 6 với ông Kim Jong Un ở Singapore. Washington muốn dùng viễn cảnh đầy hứa hẹn này để đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ông Kim quyết định điều chỉnh chiến lược ngoại giao không nhằm mở cửa cho dòng vốn từ Mỹ. Kịch bản này không được lòng giới lãnh đạo tại Bình Nhưỡng.
Điều mà ông Kim mong muốn là sự nới lỏng những lệnh cấm vận kinh tế đang áp đặt lên Triều Tiên và mong Mỹ chấm dứt những hành động ngán đường phát triển. Kế hoạch của nhà lãnh đạo trẻ tuổi là khiến Trung Quốc và Mỹ phải cạnh tranh nhau, đồng thời tận dụng mọi sự nhượng bộ phát sinh và điều chỉnh chiến lược tùy theo tình hình thực tế.
Kim Jong Un chuyen huong phat trien: Noi bat an xen giua niem lac quan-Hinh-3
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc thượng đỉnh tháng 6 ở Singapore. Ảnh: Reuters.
Hàng ngày, thông qua những kênh truyền thông chính thống tại Triều Tiên, đảng Lao động cầm quyền vẫn tiếp tục phát đi những thông điệp chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Các bản tin thường nhật vẫn nhấn mạnh sự phản đối của Bình Nhưỡng đối với tất cả những điều được xem là "tư tưởng trưởng giả tư sản và đầu độc văn hóa của những kẻ đế quốc".
Bầu không khí tại Bình Nhưỡng đặc biệt căng thẳng những tháng qua đối với người nước ngoài. Các lệnh hạn chế được ban ra đối với các phái bộ ngoại giao. Cơ quan chức năng cũng từ chối nhiều yêu cầu phỏng vấn của hãng tin AP đối với quan chức chính phủ và dân thường.
Mơ hồ trước tương lai, truyền thông nhà nước tại Triều Tiên chỉ cung cấp hạn chế thông tin cho người dân về các cuộc gặp của ông Kim với Tổng thống Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Những bản tin đến được với người dân chỉ tập trung khắc họa hình ảnh ông Kim Jong Un là một chính khách chuyên nghiệp, đang "nắm đằng chuôi" mọi diễn biến, đã chuẩn bị tỉ mỉ một chiến lược đảm bảo đất nước có tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.
"Vì người Triều Tiên, do người Triều Tiên"
Tháng 9 này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ đến thăm Bình Nhưỡng. Đó là lần thứ 3 trong năm nay lãnh đạo 2 miền Triều Tiên gặp gỡ. Ông Kim rõ ràng đang lôi kéo đầu tư từ Hàn Quốc để tự xây dựng những điều mà Tổng thống Trump từng hứa hẹn hồi tháng 6: cơ sở hạ tầng và các khu du lịch đặc biệt.
Trong khi đó, sau một thời gian "lạnh nhạt", Bình Nhưỡng đã chủ động thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh. Ngoài vai trò là đối tác xuất nhập khẩu, Trung Quốc cũng là một đối trọng đáng tin cậy cho Triều Tiên để đương đầu với sức mạnh quân sự của Mỹ.
Bình Nhưỡng luôn thống nhất về cách lý giải cho những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Sau khi phát triển thành công năng lực răng đe hạt nhân đáng kể để đương đầu với Mỹ, ông Kim muốn cùng Seoul đảm bảo nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua một nỗ lực chung "vì người Triều Tiên, do người Triều Tiên", và không có sự can thiệp từ những cường quốc bên ngoài.
Người dân Triều Tiên dĩ nhiên không khỏi ngỡ ngàng trước những hình ảnh Kim Jong Un tay bắt mặt mừng cùng nhà lãnh đạo nước Mỹ - vốn được truyền thông nhà nước tuyên truyền là "kẻ thù không đội trời chung" của họ suốt hơn nửa thế kỷ qua. Hội nghị thượng đỉnh tháng 6 tại Singapore báo hiệu một sự thay đổi to lớn đối với người dân tại đất nước được ví von là bí ẩn nhất thế giới.
Giới lãnh đạo tại Bình Nhưỡng không để cho dân chúng có quá nhiều thời gian để suy nghĩ mông lung.
Một bộ phận lớn người lao động Triều Tiên đã được lệnh hoãn các công việc và học tập thường ngày để dốc sức cho nhiều dự án phát triển quy mô lớn. Trong khi đó, hàng chục nghìn người dân tại Bình Nhưỡng những tháng qua cũng tập trung chuẩn bị cho các cuộc tuần hành, trình diễn nghệ thuật nhân dịp quốc khánh.
Tránh vết xe đổ quá khứ
Dãy núi Chilbo cùng bờ biển hoang sơ tại tỉnh Bắc Hamgyong cũng nằm trong tham vọng phát triển du lịch mà ông Kim Jong Un đang theo đuổi. Đây được xem là một những thắng cảnh quý giá nhất của Triều Tiên.
Khách sạn đầu tiên dành cho người nước ngoài tại vùng này mở cửa vào những năm 1980, và phải đến năm 2004 thì các khu nhà nghỉ ven biển mới bắt đầu mọc lên. So Myong Il, ủy viên Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Hamgyong, cho biết khu du lịch mở cửa từ tháng 4 đến đầu tháng 11. Các khách sạn chỉ đủ sức tiếp nhận tối đa được 100 khách.
Điều này có thể sớm thay đổi trước kế hoạch phát triển quy mô lớn mà ông Kim Jong Un vừa khởi xướng. So Myong Il nói ông sắp sang Trung Quốc thảo luận về nhiều lĩnh vực có tiềm năng hợp tác tại tỉnh nhà. Nỗ lực ngoại giao với Bắc Kinh đang dần phát huy kết quả. Khách du lịch từ Trung Quốc sang Triều Tiên ngày một đông.
Ông Kim Jong Un giờ đây muốn nhắm tới mục tiêu dài hạn là thị trường Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng hy vọng rằng hợp tác du lịch sẽ thúc đẩy những hình ảnh tích cực hơn tại Hàn Quốc về người hàng xóm phía Bắc, từ đó thúc đẩy những dòng đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhìn lại những bài học trong quá khứ, canh bạc này vẫn còn nhiều rủi ro.
Vào những thập niên 1990 và 2000, công dân Hàn Quốc cũng được phép đến thăm miền Bắc dưới sự giám sát và hạn chế nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp miền Nam cũng tự tin rót vốn vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực Wonsan và núi Kumgang, nơi ông Kim giờ đây đang muốn tập trung phát triển. Tất cả những nỗ lực trên đột ngột chấm dứt vào năm 2008 sau khi một phụ nữ Hàn Quốc bị cảnh binh Triều Tiên bắn chết do đi vào khu vực giới nghiêm.
Theo Thanh Danh/ZVN

>> xem thêm

Bình luận(0)