Nhật Bản
Từ lâu, tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản đã thuộc hạng cao nhất thế giới. Theo số liệu năm 2017 của World Happiness Report, người Nhật trung bình sống tới 83 tuổi. Một trong những vùng đất đông người cao tuổi nhất ở Nhật là Okinawa –với hơn 400 người, thường được gọi bằng cái tên “vùng đất bất tử”.Do đó, Okinawa đã trở thành trung tâm nghiên cứu toàn cầu về tuổi thọ của con người.
|
Nhật Bản hiện đang nắm giữ tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới - Nguồn: Getty Images |
Người địa phương ở đây sống lâu và mạnh khỏe nhờ vào một chế độ ăn riêng, bao gồm nhiều đậu phụ, khoai lang và cá. Quan hệ hòa thuận giữa người cao tuổi và cộng đồng cũng góp phần làm giảm căng thẳng và duy trì sự gắn bó.
Tây Ban Nha
Chế độ ăn của người dân Địa Trung Hải nhiều dầu ô-liu, rau quả và rượu đã góp phần tạo nên cộng đồng có tuổi thọ cao tại Tây Ban Nha (trung bình 82.8 tuổi). Tuy nhiên, Tây Ban Nha cũng có một bí mật khác để sống thọ đến vậy: siesta (ngủ trưa).
|
Người dân Tây Ban Nha thường lựa chọn đi bộ và đạp xe đạp - Nguồn: Getty Images |
“Mọi người nghĩ người Tây Ban Nha tranh thủ ngủ trưa khi các cửa hàng đóng cửa từ 2 đến 5 giờ, nhưng thực chất đấy là cách các ca làm việc được vận hành,” Miquel Àngel Diez i Besora – hướng dẫn viên du lịch của Gray Line cho biết. “Nếu bạn có một ca làm việc liên tiếp và chỉ có nửa tiếng nghỉ cho bữa trưa, thì bạn sẽ chọn đồ ăn nhanh. Ngược lại, nếu bạn bị buộc phải dừng làm việc 2 đến 3 tiếng, thì bạn sẽ về nhà hoặc đến một nhà hàng để thưởng thức đủ các món chính, món phụ, và cả tráng miệng. Lúc này bạn sẽ có cả thời gian để tiêu hóa thức ăn. Việc này lành mạnh hơn nhiều so với một bữa đồ ăn nhanh.”
“Khi tôi chuyển từ Moscow đến Barcelona, tôi để ý rằng mọi người ở đây thích đi bộ và đạp xe, kể cả đi bộ qua vài tòa nhà để đi phương tiện công cộng thay vì dùng phương tiện riêng của mình,” Marina Manasyan, người đồng sáng lập của Barcelona Eat Local Food Tours, nói. “Bằng cách này, họ sẽ giúp các tế bào trong cơ thể được hấp thụ khí oxy và cũng đồng thời giảm lượng khí thải carbon.”
Singapore
Với việc được tiếp cận rộng rãi với các cơ sở y tế hiện đại, người dân Singapore đang sống lâu hơn trước kia (tuổi thọ trung bình là 83,1 tuổi). Singapore là một trong những nước có tỉ lệ tử vong của mẹ và trẻ mới sinh thấp nhất thế giới khi trọng tâm trong chăm sóc sức khỏe người dân là chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật.
|
Có rất nhiều công viên công cộng ở Singapore để phục vụ người dân tập luyện ngoài trời - Nguồn: Getty Images |
Văn hóa và môi trường đô thị tiện nghi cũng góp phần giúp người dân ở đây sống lâu hơn. “Bạn có thể thấy rất nhiều người đến phòng tập thể thao hoặc tập luyện ở công viên công cộng,” Bino Chau, một cư dân Singapore và blogger du lịch của I Wander, cho biết. Đất nước này mới đây còn mở công viên trị liệu đầu tiên, được thiết kế để giảm căng thẳng và tăng sức khỏe tinh thần cho người già.
Những thói quen không lành mạnh cũng rất khó để duy trì ở Singapore. “Người nước ngoài nên biết rằng thói quen xấu rất đắt đỏ ở đây,” Chau nói. “Thuốc lá và đồ chứa cồn bị đánh thuế và đắt hơn nhiều so với các quốc gia khác.”
Thụy Sĩ
Là một trong những quốc gia giàu có nhất châu Âu, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, an toàn cá nhân và an sinh xã hội tốt đã giúp cho người dân Thụy Sĩ có tuổi thọ trung bình đạt mức 81 tuổi. Một số nghiên cứu còn chỉ ra nguyên nhân hàng đầu cho tuổi thọ cao ở Thụy Sĩ là việc nhập khẩu lượng lớn phô mai và sản phẩm từ sữa.
Mặc dù hầu hết người nước ngoài đến quốc gia này để làm việc, khu vực đô thị trung tâm ở đây vẫn có thể giúp người dân dễ dàng cân bằng cuộc sống với việc thư giãn thường xuyên. Gatti, một người từng sinh sống tại Thụy Sĩ cho biết: “Sống ở nước này cho phép chúng ta có những kì nghỉ cuối tuần tuyệt vời trên khắp lục địa và dành thời gian tới thưởng thức dãy Alps hùng vĩ.” Các trường tư thục ở đây cũng thuộc hàng “tốt nhất thế giới, biến nơi này thành điểm đến hấp dẫn cho các gia đình trẻ".
Hàn Quốc
Hàn Quốc có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên có tuổi thọ trung bình lên tới 90 tuổi, theo một nghiên cứu mới đây của The Lancet (có 60% khả năng nữ giới sinh từ năm 2030 sẽ có tuổi thọ trung bình khoảng 91 tuổi). Hàn Quốc có được mức tăng tuổi thọ này là nhờ vào một nền kinh tế lớn mạnh, sự tiếp cận rộng rãi với chăm sóc sức khỏe và huyết áp thấp hơn ở các nước phương Tây.
Hàn Quốc cũng có một chế độ ăn giàu thức ăn lên men, ít cholesterol, tăng cường được khả năng miễn dịch và hạn chế ung thư. “Nhìn chung, món ăn Hàn có nhiều chất xơ và giàu dinh dưỡng,” Camille Hoheb, nhà sáng lập tổ chức Wellness Tourism Worlwide cho biết.
Những người dân Hàn nói rằng sự quan tâm tới văn hóa cộng đồng và các quan điểm truyền thống góp phần vào chất lượng cuộc sống nơi đây. “Jimjilbang (nhà tắm công cộng) đưa mọi người xích gần lại với nhau, để giao tiếp và giảm căng thẳng. Ở Hàn Quốc, mọi người đều có ý thức chung bắt nguồn từ tư duy Phật giáo và quan điểm tương đồng đối với nét văn hóa hòa hợp,” Hoheb nói.