Phó đại sứ Mỹ tại Việt Nam Caryn McClelland ngày 12/12 nói những nỗ lực chung từ năm 1988 đến nay nhằm tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam là thành tựu to lớn của hai nước từng ở hai bên chiến tuyến, xứng đáng trở thành "hình mẫu" quốc tế.
“Những nỗ lực của hai nước từng là cựu thù, ở thời điểm đó còn chưa có quan hệ ngoại giao, để hợp tác tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, chính là những thành tựu to lớn và nên là hình mẫu cho các nước khác trên thế giới”, bà McClelland phát biểu trong lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác Việt - Mỹ về vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh.
|
Phó đại sứ Mỹ tại Việt Nam Caryn McClelland trao quà lưu niệm cho các cựu lãnh đạo của Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích. Ảnh: Hương Ly. |
Phó đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết mỗi lần tìm được di hài của người mất tích trong chiến tranh và xác định được danh tính của họ đều là dấu mốc đáng kinh ngạc không chỉ đối với quan hệ giữa hai nước mà còn đối với gia đình có người mất tích.
“Mỗi lần chúng tôi có thể giúp một gia đình đoàn tụ đều là một dấu mốc và việc trở thành một phần trong sự đoàn tụ đó thật sự rất xúc động”, bà McClelland nói với các phóng viên bên lề buổi lễ.
Lễ kỷ niệm diễn ra vào tối 12/12 có sự tham dự của Chuẩn đô đốc Jon Kreitz - phó giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Lê Chí Dũng -giám đốc Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích.
Phát biểu tại buổi lễ, Chuẩn đô đốc Jon Kreitz bày tỏ sự biết ơn chân thành đến chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích, trong hơn ba thập kỷ làm việc với Mỹ về hợp tác nhân đạo.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hợp tác MIA (tìm kiếm cựu binh mất tích trong chiến tranh) là một trong những cầu nối ban đầu giúp Mỹ và Việt Nam hiểu biết nhau hơn. Đây là lĩnh vực hợp tác đầu tiên giữa hai nước sau khi chiến tranh kết thúc.
|
Chuẩn đô đốc Jon Kreitz trao quà lưu niệm cho đại diện Việt Nam. Ảnh: Hương Ly. |
Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam (VNOSMP) được thành lập chỉ một thời gian ngắn sau khi Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 được ký kết. VNOSMP được giao nhiệm nhiệm vụ tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích. Năm 1988, chính phủ Việt Nam cho phép một nhóm chuyên gia của Mỹ tham gia hoạt động tìm kiếm và khai quật được đánh số đầu tiên.
Kể từ đó, các nhân viên điều tra, khai quật và khoa học của Mỹ và Việt Nam đã tham gia 133 đợt hoạt động hỗn hợp (JFA).
Trong những năm qua, tốc độ và phạm vi hoạt động kiểm kê người mất tích đã tăng lên đáng kể. Các JFA ban đầu chỉ có hai đội với ba nhân sự cho mỗi đội tại Việt Nam. Hiện tại, các JFA có tới 95 chuyên viên của Mỹ bao gồm 7-9 đội. Các JFA ban đầu chỉ giới hạn trong 10 ngày, nhưng hiện kéo dài tới 45 ngày với tối đa sáu JFA mỗi năm.
Vào thời điểm kết thúc chiến tranh, 1.973 quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ được coi là mất tích ở Việt Nam. Kể từ đó, hài cốt của 726 người đã được xác định và trao trả cho người thân của họ. Hai cơ quan đang tiếp tục nỗ lực nhằm tìm kiếm 1.247 người còn lại.
|
Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ lần thứ 147 tại sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 11/12. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ. |
Ông Jon Kreitz đặc biệt nhấn mạnh đóng góp của các cựu chiến binh và công dân Việt Nam, những người đã cung cấp thông tin nhân chứng trực tiếp và lời chứng thực liên quan đến các sự kiện tổn thất, đưa đến các hoạt động khai quật có kết quả. Lời kể của các nhân chứng đã cung cấp thông tin quan trọng về những địa điểm chôn cất đơn lẻ, một trong những loại hiện trường khó xác định nhất.
Ở chiều ngược lại, hoạt động tìm kiếm hỗn hợp cũng giúp VNOSMP lần theo nơi chôn cất các liệt sĩ nhờ những thông tin, tài liệu được phía Mỹ chia sẻ trong quá trình nghiên cứu và tìm kiếm.
“Ví dụ, vài năm trước, chúng tôi có gặp một nhân chứng và có được thông tin về khu vực chôn cất các binh sĩ Việt Nam hy sinh. Chúng tôi đã chia sẻ thông tin này với chính phủ Việt Nam và từ đó, phía Việt Nam đã tìm được hài cốt của gần 1.000 chiến sĩ”, Chuẩn đô đốc Jon Kreitz cho biết.