|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng vệ tinh trinh sát “Malligyong-1” tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, ngày 21/11/2023. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
|
Theo Yonhap, ngày 22/11, Quân đội Hàn Quốc cho biết vệ tinh do thám quân sự đầy tham vọng của Bình Nhưỡng được đánh giá là đã đi vào quỹ đạo, mặc dù cần thêm thời gian để xác định liệu vệ tinh này có hoạt động bình thường hay không.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đã đưa ra đánh giá trên sau khi Triều Tiên tuyên bố đưa thành công vệ tinh này vào quỹ đạo trong lần phóng thứ ba trong năm nay.
Tên lửa đẩy "Chollima-1” mang theo vệ tinh trinh sát “Malligyong-1” rời bệ phóng tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, Triều Tiên ngày 21/11/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
JCS nêu rõ: “Sau khi phân tích toàn diện đường bay và các dấu hiệu khác, vệ tinh này được đánh giá là đã đi vào quỹ đạo. Tuy nhiên, cần phải phân tích nhiều hơn và cần thêm thời gian… để xác định xem vệ tinh có hoạt động bình thường hay không.”
Rạng sáng 22/11, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA) đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là “Chollima-1” mang theo vệ tinh do thám “Malligyong-1” từ Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, lúc 22h42 ngày 21/11 (20h42 cùng ngày theo giờ Hà Nội).
Sau đó, KCNA tiếp tục cho hay vệ tinh này đã chụp nhiều ảnh liên quan các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam và gửi về Bình Nhưỡng.
Các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc điện đàm sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh mà 3 nước cho là vệ tinh quân sự.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đặc phái viên của nước này về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, ông Kim Gunn đã điện đàm với những người đồng cấp Mỹ Jung Pak và Nhật Bản Hiroyuki Namazu.
Tại cuộc điện đàm, các quan chức đã phản đối vụ phóng của Triều Tiên, bày tỏ quan ngại khi Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng sớm hơn 1 giờ so với thời điểm thông báo trước đó, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sự an toàn của máy bay và tàu thuyền.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại vụ phóng trên, cho rằng vụ phóng có thể “làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ gây bất ổn an ninh trong khu vực.”
Cùng ngày, các nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đang thảo luận với Mỹ và Nhật Bản về việc tiến hành cuộc tập trận hải quân chung với sự tham gia của một tàu sân bay Mỹ, gần bán đảo Triều Tiên.
Động thái trên được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh quân sự.
Theo kế hoạch, Hải quân của Hàn Quốc và Mỹ sẽ cùng Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này, cùng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ USS Carl Vinson, đang cập cảng Busan (Hàn Quốc).
Một nguồn tin xác nhận: "Chúng tôi đang tham vấn về việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân Hàn-Mỹ, Hàn-Mỹ-Nhật ở các vùng biển phía Nam Bán đảo Triều Tiên vào cuối tuần này."
Cuộc tập trận Hàn-Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 và tập trận 3 bên diễn ra vào ngày 26/11.
Tàu USS Carl Vinson đã đến căn cứ hải quân ở Hàn Quốc từ ngày 20/11./.