Bài bình luận đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo viết rằng bên cạnh những chỉ trích trên, có ý kiến cho rằng Trung Quốc không nên đáp trả. "Điều này có nghĩa là chừng nào Trung Quốc nhượng bộ, Mỹ sẽ nương tay và sẽ không có chiến tranh thương mại xảy ra" - tờ báo viết.
Dù vậy, bài viết này khẳng định những gì xảy ra không phải do Trung Quốc gây ra. Ngoài ra, cũng như con voi không thể núp sau một cái cây nhỏ, Bắc Kinh không thể "che giấu quy mô và sức mạnh" của mình.
Đi xa hơn, tác giả nhận định sau hơn 1 thế kỷ làm việc cật lực, Trung Quốc đang trở thành "đối thủ chưa từng có" của Mỹ.
|
Xe hơi xuất khẩu tại một cảng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc vừa thông báo áp đặt mức thuế 25% thuế 16 tỉ USD hàng nhập khẩu của Mỹ để trả đũa bước đi tương tự từ Washington.
Đây là vòng đấu mới nhất trong cuộc đối đầu chưa có hồi kết trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gây sức ép để Bắc Kinh nhượng bộ.
Trong một bài viết khác đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo cùng ngày, ông Wang Yiming, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của nền kinh tế đất nước.
Không những thế, theo Reuters, cuộc chiến này còn gây ra rạn nứt trong nội bộ Bắc Kinh khi một số nhà phê bình cho rằng lập trường dân tộc chủ nghĩa quá mức của nước này có thể đã khiến Washington trở nên cứng rắn hơn về vấn đề thương mại.
|
Ông Vương Hỗ Ninh. Ảnh: Reuters |
Dẫn một số nguồn tin gần gũi với chính phủ Trung Quốc, Reuters cho biết phản ứng chỉ trích dường như nhắm vào ông Vương Hỗ Ninh, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông Vương chính là kiến trúc sư của "Giấc mơ Trung Hoa" - tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về một Trung Quốc mạnh mẽ và thịnh vượng.
Là một học giả nổi tiếng và có ảnh hưởng, ông Vương hiện đối mặt chỉ trích vì quan điểm gây tranh cãi về sức mạnh Trung Quốc. Các nguồn tin cho hay ông Vương đang gặp rắc rối vì "những nội dung tuyên truyền không phù hợp và thổi phồng Trung Quốc quá nhiều".
Theo một cố vấn chính sách đề nghị giấu tên, nỗi lo đang tăng ở Bắc Kinh rằng triển vọng của đất nước trở nên u ám sau khi quan hệ với Mỹ xấu đi vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
|
Một container hàng hóa của Trung Quốc tại một cảng ở TP Boston - Mỹ. Ảnh: Reuters |
Dù truyền thông nhà nước những ngày qua vẫn đăng những bình luận đầy thách thức về Mỹ và chiến tranh thương mại, đã có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong thông điệp của Trung Quốc.
Bắc Kinh bắt đầu giảm tuyên truyền cho chính sách công nghiệp "Made in China 2025", đóng vai trò chủ chốt trong những than phiền của Washington về tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong nội bộ chính phủ Trung Quốc có suy nghĩ cho rằng nước này đã hứng chịu thiệt hại và bắt đầu nhận ra rằng hoạt động tuyên truyền trong nước đang bị "soi" gắt gao chưa từng có ở nước ngoài.
"Ít nhất chúng ta có thể kiểm soát mức độ tuyên truyền và kể câu chuyện về Trung Quốc theo cách phù hợp" - một nguồn tin nhận định.