Giải trừ hạt nhân: Triều Tiên sẽ không thành Libya thứ 2

Google News

Triều Tiên vừa tuyên bố sẽ bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Mỹ nếu bị dồn vào chân tường và sẽ không chấp nhận mô hình giải trừ hạt nhân kiểu Libya mà phía Mỹ mong muốn.

Xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News hôm Chủ nhật vừa rồi, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đưa ra cái gọi là kịch bản Libya, trong đó cựu Tổng thống Libya Muammar el-Qaddafi hoàn toàn không che giấu điều gì với Anh và Mỹ về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Libya và còn để Washington đưa máy bay đến chuyển toàn bộ trang thiết bị và tài liệu ra khỏi nước này để tiêu hủy.
Giới chuyên gia cho rằng điều không ổn trong đề xuất của ông Bolton là chương trình vũ khí của Libya không thể so sánh với của Triều Tiên hiện nay về kỹ thuật và có vẻ không thực tế lắm về triển vọng ngoại giao. Thật khó tin việc Triều Tiên sẽ cho phép Mỹ vào nước họ chở trang thiết bị hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ ngừng cấm vận.
 
Những người hiểu rõ mô hình Libya cho biết chương trình hạt nhân của Tripoli thô sơ, nếu không nói là đáng xấu hổ như thế nào, vào thời điểm nó bị phá hủy. Một quan chức Anh nói với New York Times chương trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Libya tiến gần tới ngưỡng sản xuất bom khi Mỹ và Anh đạt được thỏa thuận với ông Qaddafi, nhưng những chuyên gia hạt nhân chịu trách nhiệm xử lý vật liệu hạt nhân của Libya nói lại rằng thành tựu hạt nhân của Libya thời điểm đó chẳng ấn tượng chút nào.
Ông Donald Mahley, người được chính quyền Bush giao chịu trách nhiệm việc giải trừ hạt nhân của ông Qaddafi cho biết, ông đã ngạc nhiên khi thấy Libya đầu tư ít như thế nào vào chương trình hạt nhân của họ. “Dù những người Libya mà tôi làm việc cùng rất hiểu biết, tận tâm và sáng tạo”, nhưng “gần như không có thành quả ấn tượng gì”, ông Mahley nói. Một nhóm các nhà khoa học, kỹ sư được chính phủ Libya giao vận hành chương trình này, khác xa điều mà ông Van Jackson ở ĐH Victoria ở Wellington mô tả về “ngành công nghiệp hạt nhân của Triều Tiên với đội ngũ những nhà khoa học, kỹ sư và chiến sĩ, cùng một chuỗi cung cấp và bảo dưỡng liên quan”.
Trong khi chính quyền của ông Kim Jong-un cực kỳ tận tâm với chương trình vũ khí hạt nhân của họ thì chính quyền Qaddafi bị chia rẽ từ trong nội bộ về chuyện phát triển năng lực này. Như tác giả Malfrid Braut-Hegghammer tiết lộ trong cuốn sách mới của bà: “Vật lý không rõ ràng: Vì sao Iraq và Libya không thể chế tạo vũ khí hạt nhân”, có một sự chia rẽ bên trong chính phủ Qaddafi (đi đầu là Saif al-Islam, con trai ông Qaddafi) chất vấn rằng liệu năng lực hạt nhân ngầm có đáng để hứng chịu nỗi đau bị cô lập quốc tế về kinh tế và chính trị. Ông Qaddafi cuối cùng đi đến kết luận rằng thôi nỗ lực phát triển hạt nhân và loại bỏ áp lực kinh tế là cách làm sáng suốt hơn cho sự sinh tồn chính trị của ông ấy, thay vì tiếp tục phát triển một chương trình hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Quyết định đó đã khiến ông Qaddafi và con trai phải nuối tiếc 8 năm sau đó.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận chương trình hạt nhân của Libya chỉ là sự lãng phí tiền bạc sau khi các thanh sát viên của họ đến cơ sở hạt nhân của Libya. Một báo cáo năm 2004 cho thấy nghiên cứu về hạt nhân của ông Qaddafi bừa bãi và lung tung mức nào. Thậm chí, IAEA phát hiện Libya chưa có đủ kiến thức tự chế tạo các máy ly tâm, kỹ năng làm giàu urani. Họ cũng không biết gì về thiết kế đầu đạn hạt nhân cho dù nước này đã nhận được tài liệu về đầu đạn hạt nhân. “Libya cho biết họ không có năng lực nhân sự quốc gia để đánh giá dữ liệu và sẽ phải đề nghị nhà cung cấp giúp đỡ nếu muốn đi xa hơn trong việc phát triển vũ khí hạt nhân”, báo cáo viết.
Đến thời điểm Washington và London phá hủy chương trình hạt nhân của ông Qaddafi, chính quyền Bush làm xong điều này chỉ trong chưa đầy 6 tháng, một phần nhờ sự siêng năng và khéo léo của nhóm chuyên gia Mỹ ở hiện trường, một phần vì Libya gần như chưa bắt đầu quá trình chế tạo bom. Ông Robert Einhorn, một chuyên gia về phi hạt nhân và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời chính quyền Obama, kết luận: “Libya hầu như không có chương trình vũ khí hạt nhân. Họ đã đóng thùng các linh kiện lò ly tâm mà họ không biết phải làm gì với chúng. Các máy bay Mỹ chỉ việc hạ cánh rồi chuyển toàn bộ ‘chương trình’ đi”.
Không phải tay mơ
 
Trong khi Qaddafi chỉ là tay mơ trong ngành công nghiệp nghiên cứu và phát triển hạt nhân, nhà lãnh đạo Triều Tiên khác hoàn toàn. Giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đã là một nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi Mỹ và cộng đồng quốc tế không chính thức thừa nhận điều này. Bình Nhưỡng đã có năng lực răn đe mà ông Qaddafi nỗ lực suốt 30 năm để mua, đó là sự khác biệt lớn Triều Tiên gọi là “thanh gươm báu” mà họ phải coi trọng hơn nhiều lần so với việc cư xử tử tế với phương Tây.
Vì thế, giới phân tích cho rằng nếu ông John Bolton tìm kiếm cách thức làm việc hiệu quả cho cuộc đối thoại sắp tới giữa ông Trump với ông Kim thì Libya không phải mô hình phù hợp. Ông Qaddafi có thể đã cảm thấy bị bóp nghẹt sau mấy chục năm bị trừng phạt và họ đã trở thành Saddam Hussein tiếp theo. Nhưng ông Kim Jong-un không có ý định trở thành Qaddafi tiếp theo với cái chết bi thảm và nhục nhã.
Triều Tiên hôm qua tuyên bố có thể từ bỏ cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6 tới nếu Washington quyết dồn họ “vào chân tường” trong vấn đề từ bỏ hạt nhân.
Tuyên bố do hãng thông tấn KCNA đăng tải nói rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ chấp nhận hỗ trợ kinh tế từ Mỹ để đối lấy việc đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Ông Kim Kye Gwan, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, được KCNA dẫn lời nói rằng Mỹ nói “sẽ bù đắp về kinh tế và các lợi ích nếu chúng tôi từ bỏ (vũ khí hạt nhân)”. “Chúng tôi chưa bao giờ kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Mỹ trong xây dựng nền kinh tế của chúng tôi và sẽ không thỏa thuận như vậy trong tương lai”, ông Kim nói. Quan chức này còn nói rằng nếu chính quyền Trump thực lòng muốn cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, “họ sẽ nhận được phản ứng xứng đáng”, nhưng “nếu họ cố dồn chúng tôi vào chân tường và ép buộc từ bỏ hạt nhân đơn phương, chúng tôi sẽ không hứng thú với kiểu đối thoại đó và sẽ cân nhắc lại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới”.
Ông Kim nói rằng những phát biểu của ông Bolton về mô hình Libya cho thấy “một bước đi cực kỳ nham hiểm nhằm gán cho nhà nước đứng đắn của chúng tôi số phận của Libya và Iraq sau khi họ đã sụp đổ vì phơi bày toàn bộ đất nước họ cho các cường quốc”.

“Hoàn toàn vô lý khi dám so sánh (Triều Tiên), một nhà nước vũ khí hạt nhân, với Libya mới ở giai đoạn đầu của phát triển hạt nhân...Thế giới biết quá rõ rằng đất nước chúng tôi không phải Libya hay Iraq để phải chịu số phận bi thảm”.      

 Ông Kim Jong - un nhấn mạnh

Theo Bình Giang/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)