|
Với Gen Z, ngành tang lễ chỉ đơn thuần là một dịch vụ chăm sóc con người. Ảnh: Sixthtone
|
Vì lẽ này, ngành công nghiệp tang lễ ở Trung Quốc luôn trong tình trạng thiếu khoảng 20 nghìn nhân viên/năm. Tuy nhiên, tình hình có thể đổi khác khi Gen Z ở Trung Quốc, với quan điểm không kỳ thị, đang nhìn ngành nghề này bằng con mắt khách quan nhất.
Khởi nguồn từ Thế hệ Y
Với 1,4 tỷ dân, trung bình mỗi năm Trung Quốc có khoảng 10 triệu người qua đời. Theo dữ liệu năm 2021, cả nước có 4.373 cơ sở tang lễ và 87 nghìn nhân viên. Trong bối cảnh già hóa dân số và đặc biệt là mấy năm Covid-19, ngành tang lễ thiếu nhân viên trầm trọng. Ở đất nước mà tỷ lệ thất nghiệp vượt trên 10%, đây có lẽ là ngành nghề duy nhất liên tục “đói” người vào làm.
Văn hóa tâm linh Trung Quốc vừa kính cẩn lại vừa sợ sệt người chết. Họ cho rằng thi thể bốc ra chướng khí, nếu bị nhiễm vào người sẽ đau bệnh. Người tiếp xúc thi thể dễ mắc vận xui hoặc bị linh hồn người chết ám, quấy nhiễu. Mặc dù chính quyền đã nhiều lần nâng cao nhận thức toàn dân song sự thành kiến vẫn không giảm.
Thập niên 2010, Trung Quốc bất ngờ chứng kiến sự gia tăng của số lượng nhân viên trẻ trong các nhà tang lễ. Tại một số cơ sở, tỷ lệ nhân viên trẻ còn áp đảo nhân viên già. Công việc của họ là tắm rửa, chỉnh lý, trang điểm cho người chết, sắp xếp tang lễ, chăm sóc tang gia…
“Tôi nghĩ tang lễ cũng chỉ là ngành dịch vụ”, một nam nhân viên trẻ giải thích. Sự nhận định không chút thành kiến này của anh được đông đảo Thế hệ Y (1980 – 1995) đồng tình. Trong tình trạng nghề nào cũng “thừa thợ”, các Y thất nghiệp quyết định đầu quân ngành tang lễ. Tuy bị cha mẹ mắng mỏ và xã hội “nhìn bằng cặp mắt khó hiểu”, họ chuyên tâm vào công việc, dần dà xây dựng lòng yêu nghề.
Vì… người còn sống
|
Hai bộ phim Trung Quốc làm sáng tỏ nghề tang lễ. Ảnh: Sixthtone
|
Tháng 6/2022, điện ảnh Trung Quốc ra mắt bộ phim bom tấn “Nhân sinh đại sự” (Lighting Up The Stars). Nội dung phim xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa giám đốc nhà tang lễ có tiền sử phạm tội và cô bé mồ côi. Bối cảnh phim cho thấy chi tiết cuộc sống cũng như công việc bên trong nhà tang lễ gây xúc động mạnh bằng những tình tiết thương cảm đời thật.
Tháng 10/2022, phim ngắn “Bài ca cuộc sống” (Song of Life, 13 tập) chiếu tập cuối trên nền tảng phát trực tuyến Bilibili. Nhân vật chính, Zhao Sanyue bước vào nhà tang lễ với tư cách nhân viên chỉnh trang cho người chết. Vì trẻ người non dạ, Sanyue gặp không ít khó khăn. Cô cũng “bước đường cùng” mới phải chọn nghề nghiệp chẳng ai muốn làm này, nên không có ý nghiêm túc.
Sau tiếp xúc với công việc, đồng nghiệp và các tang gia, Sanyue dần thay đổi. Cô nhận ra nghề đang theo đáng trân trọng, đầy ý nghĩa và quyết tâm trở thành người trang điểm tử nhân tử tế nhất.
“Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn đến cả 2 bộ phim trên. Nhờ chúng, công việc bên trong nhà tang lễ được sáng tỏ. Khán giả có thể thấy và hiểu thêm về sinh tử, đặc biệt là nhìn rõ những áp lực cũng như sự kỳ thị mà người làm dịch vụ tang lễ nào cũng phải trải qua”, Cha Quanling (24 tuổi) đến từ Hồ Bắc, hiện đang làm việc ở một cơ sở tang lễ nói.
Như hầu hết các nhân viên, công việc của Quanling là tắm rửa, chỉnh trang cho người chết, tiếp xúc và bàn bạc về nghi lễ với tang quyến. “Nhiều người dự tang vẫn tránh tiếp xúc với chúng tôi, một số tài xế còn từ chối cho chúng tôi lên xe”, Quanling cho biết.
“Người ta cứ nghĩ, công việc của chúng tôi chủ yếu xoay quanh người chết. Thực ra, công việc của chúng tôi xoay quanh nhu cầu của người sống nhiều hơn”, Tian Anxin (34 tuổi), nhân viên cắt may quần áo cho người chết làm việc ở tỉnh Phúc Kiến, lên tiếng.
Hiện đại hóa dịch vụ
|
Cha Quanling (24 tuổi) đang cùng nam đồng nghiệp khâu vết thương, chỉnh trang cho một tử nhân qua đời vì tai nạn. Ảnh: Sixthtone
|
Trên Bilibili, bộ phim“Bài ca cuộc sống” đạt 170 triệu lượt xem. Nhiều khán giả là các Gen Z đang làm nghề dịch vụ tang lễ. “Nhìn thấy công việc của mình được tái dựng chân thực trên màn ảnh, tôi vô cùng cảm kích”, Zhao Junze (18 tuổi) chia sẻ.
Tiếp nối Thế hệ Y, các Gen Z đang ngày càng nhiều người chọn vào ngành tang lễ. Nguyên nhân có lẽ cũng từ tình trạng thất nghiệp cao. Theo báo cáo hồi tháng 5, 18,4% thanh thiếu niên trong độ tuổi 16 – 24 đang thiếu việc làm. Có điều, Gen Z không bước vào nghề này với tâm thái “bất đắc dĩ”. Họ chọn nó vì đây cũng là một công việc và công việc này đang tuyển người.
Trong khi xã hội vẫn còn “không hiểu sao đám trẻ lại đâm đầu vào nghề xui xẻo” thì chính phủ Trung Quốc nhiệt liệt hoan nghênh. Với trình độ học vấn cao và nhiệt huyết tuổi trẻ, Gen Z đang nhanh chóng hiện đại hóa dịch vụ tang lễ.
Họ thuyết phục và khuyến khích tang gia cắt giảm nghi thức truyền thống rườm rà, nặng tính chất mê tín, vừa giảm thiểu gánh nặng tài chính cho tang quyến, vừa lược bớt các công vụ không cần thiết cho cơ quan quản lý dân sự.
“Dù đã hết giờ làm, tôi vẫn gặp gỡ tang gia, để họ được san sẻ nỗi mất mát. Với tôi, an ủi người còn sống cũng quan trọng không thua gì chăm sóc người đã chết”, Quanling nói. Giống như cô, Gen Z theo nghề tang lễ đang làm việc với tất cả tấm lòng, mong sao cả người đã khuất lẫn tang quyến đều yên ổn.