Năm nay, Amazon Studios sẽ phát hành phần 2 loạt phim giả tưởng The Man in the High Castle, mô tả thế giới sau khi bị phe Phát xít thôn tính. Trong phim, Mỹ bị chia làm ba cho Nhật và Đức cùng một vùng trung lập. Trên thực tế Đức Quốc xã không mơ xa tới vậy, nhưng dự án tát cạn Địa Trung Hải là có thực.
|
Địa Trung Hải bị tát cạn một phần để xây đập (ảnh minh họa). |
Kế hoạch này là của kiến trúc sư Đức Herman Sörgel. Sörgel bày tỏ tham vọng kết nối châu Âu và châu Phi thành một siêu lục địa trong cuốn sách "The Panropa Project, Lowering the Mediterranean, Irrigating the Sahara" năm 1929 và dự án Atlantropa sau này. Cho tới lúc qua đời năm 1952, Sörgel liên tục ra các tài liệu nghiên cứu về chủ đề này, hiện vẫn đang được lưu trữ trong Bảo tàng Đức (Munich)
Cụ thể, Sörgel dự kiến xây ba đập khổng lồ với kiến trúc thượng tầng hiện đại như đập Tam Hiệp của Trung Quốc. Đập lớn nhất nằm giữa Tây Ban Nha và Morocco, tách Địa Trung Hải khỏi Đại Tây Dương. Con đập thứ hai chặn ở Biển Đen, cuối cùng là đập cắt đôi Địa Trung Hải nằm giữa Sicilia và Tunisia.
|
Nơi dự kiến xây đập ngăn cách hai đại dương. |
Có nhiều sông đổ ra Địa Trung Hải, nhưng chủ yếu từ Đại Tây Dương, nên việc hạ thấp mực nước không hề khó khăn sau khi xây con đập đầu tiên.
Sörgel và những người ủng hộ cho rằng Atlantropa đem lại nhiều lợi ích như cung cấp thủy điện cho toàn châu Âu, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp quanh bờ biển và mở rộng không gian cho các quốc gia châu Âu.
Ngoài ra, dự án Atlantropa được kỳ vọng đem lại công ăn việc làm, giảm thất nghiệp, bắt buộc các quốc gia phải hợp tác do quy mô dự án lớn, còn năng lượng giá rẻ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đem lại tương lai tươi sáng trong thời kỳ Thế chiến tăm tối.
|
Kiến trúc sư Sorgel. |
Kế hoạch được dân chúng Đức ủng hộ nhiệt liệt, nhưng mãi chưa thành sự thật. Sörgel đã trình kế hoạch lên Quốc xã, nhưng chính phủ này lại lựa chọn kế hoạch xâm chiếm các nước láng giềng.
Sau khi quân Đồng minh chiến thắng, các nước cũng để ý tới dự án của Sörgel nhưng nhanh chóng từ bỏ vì nghĩ rằng nó không khả thi trong thời kỳ châu Âu đang cần xây dựng lại.
Trong khi đó, viện Atlantropa vẫn tồn tại cho tới năm 1960 mới giải thể. Có nhiều ý kiến cho rằng nếu phe phát xít có chính sách khác thì có lẽ kế hoạch của Sörgel đã thành hiện thực.
Tiểu thuyết The Flying Station của nhà văn Grigory Grebnev cũng hình dung ra viễn cảnh Liên Xô lựa chọn xây đập để phục hồi châu Âu, và phe phát xít sẽ có đường tẩu thoát, quay lại phá hủy đập và giành lại quyền lực. Đây cũng là niềm an ủi cho Sörgel, nhưng giấc mơ của ông sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.
>>> Mời quý độc giả xem video về Hitler (nguồn Youtube):