Đại sứ Phạm Sanh Châu “bật mí” chuyện 80% cán bộ Đại sứ quán mắc COVID-19

Google News

Đại sứ Phạm Sanh Châu tiết lộ khi hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt ở vùng dịch về nước, có tới 80% cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mắc COVID-19, trong đó có ông và ông đã phải lường tới tình huống xấu nhất xảy ra.

Tạm biệt năm cũ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu chia sẻ điều đáng nhớ nhất năm qua là khi ông biết tin 22 người trong tổng số 26 cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và 18 người thân bị mắc COVID-19 sau khi thực hiện công tác sơ tán công dân.
Bức thư trong thời khắc khó khăn
Từ khi đại dịch bùng phát, thực hiện sứ mệnh bảo hộ công dân, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã nỗ lực tổ chức 4 chiến dịch với 6 chuyến bay đưa hàng trăm người Việt gặp khó khăn về nước. Công tác này càng gặp khó khăn khi người Việt Nam tại Ấn Độ ở rải rác 20 tiểu bang khác nhau. Khi Ấn Độ phong toả, không có chuyến bay nội địa, việc tập kết đủ người cho một chuyến bay không phải dễ dàng khi các địa bàn cách xa nhau, có nơi phải đi đường bộ 3 ngày 3 đêm...
Trong khi căng mình hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt trong vùng dịch về nước, đã có tới 80% cán bộ của Đại sứ quán mắc COVID-19.
Trong thời khắc khó khăn đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã có thư gửi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán để động viên, đồng thời chỉ đạo công việc Đại sứ quán, công tác chống dịch.
Dai su Pham Sanh Chau “bat mi” chuyen 80% can bo Dai su quan mac COVID-19
 Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ thực hiện "chiến dịch" đưa người Việt gặp khó khăn về nước - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
Thư của Đại sứ viết: "Hôm nay là ngày đầu tiên kể từ khi chúng ta biết kết quả 22 trên tổng số 26 cán bộ Đại sứ quản dương tính với COVID 19. Với tư cách là Thủ trưởng cơ quan, Đại sứ xin nhận trách nhiệm trước toàn thể anh chị em vì đã không giữ được "sạch lưới" cho dù đã cẩn thận và nỗ lực trong gần 7 tháng qua. Đã có lúc Đại sứ tường có thể dẫn dắt Đại sứ quán đi qua đại dịch này mà không hề bị tổn thương hay sứt mẻ gì! Nhưng điều đó đã trở thành không thể trong bối cảnh Ấn Độ đang trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới, và khi mà Chính phủ và người dân bạn không còn và không thể quan tâm nhiều đến công tác phòng dịch nữa. Hơn nữa công tác đối ngoại lúc này đòi hỏi Đại sứ quán phải triển khai nhiều hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Ngay sau khi biết kết quả, Lãnh đạo Đại sứ quán đã kích hoạt "Cơ chế khẩn cấp" để hỗ trợ anh chị em. Rất nhiều công việc phải làm, vừa để giúp anh chị em phục hồi sức khỏe vừa để quản lý công việc chung của toàn bộ hệ thống Đại sứ quán.
Anh chị em đã hợp tác rất tốt, bước đầu hạn chế các mặt tiêu cực, không hoang mang, kích động, mà lạc quan, bình tĩnh xử lý tốt khủng hoảng. Lãnh đạo Đại sứ quán đánh giá cao tinh thần này và đề nghị anh chị em tiếp tục hợp tác, khẩn trương chống dịch bằng việc theo dõi và khai báo trên mạng tình hình sức khỏe bản thân và gia đình. Đặc biệt khi có triệu chứng nghiêm trọng cần thông tin ngay cho Lãnh đạo Đại sứ quán để khởi động Phương án B.
Để tránh thu hút sự chú ý của dư luận sở tại, báo chí trong và ngoài nước cũng như để an tâm dưỡng "thương", Lãnh đạo Đại sứ quán không chủ trương công khai vụ việc này, ngay cả với người thân trong gia đình, để tránh lo lắng không cần thiết, Facebook của Đại sứ quán sẽ chỉ đăng tải các hoạt động bình thường trong tuần tới của Đại sứ quán.
Chúng ta đã bước sang ngày thứ 5 của đợt nhiễm. Trong 5 đến 10 ngày tới, diễn biến của tình hình sẽ có ý nghĩa quyết định. Vì vậy chúng ta cần tập trung cao độ chống dịch. Đại sứ tin rằng với tinh thần đoàn kết và lạc quan, chúng ta sẽ vượt qua thách thức to lớn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hình thành Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ".
Ngay cả khi bị bệnh tật đe dọa, người "thuyền trưởng" vẫn vững tay lái con thuyền, tiếp thêm cho đồng đội niềm lạc quan, hy vọng để chiến thắng. Cuối cùng, Đại sứ và toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Bí mật của người thuyền trưởng
Tuy nhiên, có những "bí mật" mà khi bệnh tật đã qua đi, Đại sứ Phạm Sanh Châu mới tiết lộ cho mọi người.
"Tôi nhẩm tính với tỷ lệ gần 3% người chết trong số người bị nhiễm thì một người trong chúng tôi có thể sẽ tử vong. Tôi bình tĩnh đặt sẵn một quan tài kẽm và thuê sẵn một máy bay.
May mắn thay với tinh thần quyết chiến và quyết thắng, tất cả chúng tôi đã nắm tay nhau cùng bước qua bệnh dịch và tránh được lưỡi hái của tử thần. Thoát chết, chúng tôi hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống và tình người.
Xin cảm ơn tất cả đồng đội của tôi ở Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi đã tạo lên một câu chuyện cổ tích với kết thúc có hậu. Mong rằng năm 2021 sẽ không có ai phải lo đặt trước quan tài cho người sống như tôi từng làm vì tôi biết cảm giác đó khủng khiếp thế nào !"- Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng cho biết năm qua, gia đình dự định có một sự kiện rất quan trọng là đám cưới con gái ông. Khi COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, ông có viết thư cho con gái, nói rằng con cứ yên tâm, ba sẽ trở về đúng ngày đã hẹn.
Dai su Pham Sanh Chau “bat mi” chuyen 80% can bo Dai su quan mac COVID-19-Hinh-2
Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng các các công dân là tăng ni được hỗ trợ về nước - Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
Tuy nhiên, thời điểm đám cưới của con gái yêu sắp đến cũng là lúc Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận được tin bản thân mình đã dương tính với SARS-CoV-2. Ông rất lo lắng vì thời điểm đó, ở Ấn Độ tình hình rất căng thẳng, không còn giường bệnh trong khi có đến 80% cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đều bị dương tính.
"Điều tôi lo nhất là trong số chúng tôi sẽ có người tử vong. Nếu trong số chúng tôi có người bị làm sao, đám cưới lại bị hoãn. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng vượt qua, động viên mọi người ở nhà cứ yên tâm tổ chức đám cưới. Từng thành viên trong gia đình chúng tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm đó" - Đại sứ xúc động nhớ lại.
Dai su Pham Sanh Chau “bat mi” chuyen 80% can bo Dai su quan mac COVID-19-Hinh-3
 Đại sứ Phạm Sanh Châu: Ước mơ lớn nhất của cả nhân loại hiện nay là đại dịch sẽ qua đi - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giờ đây, đoàn tụ cùng gia đình trong ngày xuân, Đại sứ Phạm Sanh Châu cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc vì được quay trở về Việt Nam, đoàn tụ cùng gia đình vào giờ phút thiêng liêng nhất của một năm.
"Giây phút đó hết sức khó khăn và thách thức nhưng chúng tôi đã vượt qua được. Tôi nghĩ rằng có lẽ ước mơ lớn nhất của cả nhân loại hiện nay là đại dịch sẽ qua đi để chúng ta có thể quay trở về với cuộc sống bình thường, để cho hàng trăm triệu người không bị mắc bệnh nữa, 2 triệu người không phải mất mạng một cách uổng phí. Đó là giấc mơ chúng ta cùng chia sẻ chung trong giờ phút đầu năm mới" - Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
>>>Mời quý độc giả xem thêm video: Triệu chứng đặc biệt của nhiều bệnh nhân mắc COVID-19

Nguồn: THDT


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)