Trả lời phỏng vấn chương trình “Loud & Clear” của đài Radio Sputnik, cựu Đại sứ Anh tại Syria Peter Ford cho rằng cách mà Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman đang hành động “rõ ràng rất nguy hiểm”.
Có thể thấy, chính trường Ả Rập Xê Út đang chứng kiến một cuộc thanh trừng quyết liệt trong thời gian gần đây, với việc bắt giữ hàng chục bộ trưởng và hoàng tử cùng cái chết “bí ẩn” của nhiều quan chức cấp cao nước này. Liệu đây là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng hay là cách để Thái tử Mohammed bin Salman củng cố quyền lực?
“Tôi là một trong nhiều người luôn quan sát Ả Rập Xê Út ở Washington. Tôi đã theo dõi quốc gia Trung Đông này trong suốt 28 năm, lần đầu tiên tại Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và sau đó tại Ủy ban Đối Ngoại của Thượng viện. Tôi có thể thành thật mà nói rằng, tôi chưa bao giờ chứng kiến điều này xảy ra tại Ả Rập Xê Út”, John Kiriakou, người dẫn chương trình Loud & Clear, nói.
Cựu Đại sứ Ford đồng tình: “Ả Rập Xê Út chắc chắn đang có những động thái khác thường. Thái tử Mohammed bin Salman, một người thiếu kinh nghiệm, đang tìm cách củng cố quyền lực”.
|
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman đã ra lệnh bắt giữ nhiều bộ trưởng, hoàng tử để điều tra tham nhũng trong thời gian gần đây. Ảnh: Reuters. |
Theo Ford, sự thiếu kinh nghiệm này thể hiện trong lĩnh vực đối ngoại cũng như trong nước. Riyadh tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến tranh đẫm máu ở Yemen. Và bây giờ, Thái tử Mohammed đang tìm cách “gây sự” với Iran.
“Riyadh có thể đang tìm kiếm một chiến trường mới, đó là Lebanon. Nhưng trong trường hợp này cũng vậy, tôi nghĩ họ sẽ thất vọng”, Ford bình luận.
Trước đó, ngày 6/11, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề Vùng Vịnh của Ả Rập Xê Út Thamer al-Sabhan cáo buộc Lebanon đang tuyên chiến chống lại nước này.
“Hành động gây hấn của phong trào vũ trang Hezbollah tại Lebanon nhằm vào Ả Rập Xê Út được coi là một hành động tuyên chiến nhằm vào Riyadh”, ông Thamer al-Sabhan tuyên bố.
Cáo buộc từ phía Riyadh được đưa ra sau khi cuối tuần qua, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, một đồng minh của Ả Rập Xê Út, đã xin từ chức và nói rằng có một âm mưu ám sát nhằm vào ông đến từ phong trào Hezbollah. Saad Hariri đã kêu gọi một chiến dịch chống lại Iran cũng như lực lượng Hezbollah.
Theo Kiriakou, một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong những ngày gần đây là vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào thủ đô Riyadh được cho là do quân nổi dậy Houthi phóng từ Yemen hôm 4/11.
Cả Ả Rập Xê Út và Mỹ đều quy trách nhiệm cho Iran vì “cung cấp tên lửa” cho lực lượng Houthi. Hôm 6/11, liên minh Ả-rập thông báo sẽ tạm thời đóng cửa toàn bộ không phận, cửa khẩu đường bộ và đường biển với Yemen nhằm ngăn chặn tình trạng “tuồn” vũ khí cho quân nổi dậy Houthi từ Iran.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc phòng ở Washington, phe nổi dậy Houthi không có khả năng phóng tên lửa từ Yemen nhằm vào sân bay quốc tế Riyadh.
“Ả Rập Xê Út đã tự phóng tên lửa và đánh chặn, dĩ nhiên sau đó họ đổ lỗi cho Iran”, Kiriakou dẫn nhận định của một số chuyên gia phân tích ở Washington.
Những xung đột chính trị đang xảy ra giữa các quốc gia Trung Đông trên có thể là dấu hiệu cho thấy Ả Rập Xê Út đang tìm cách bắt đầu một cuộc chiến ở Lebanon để chống lại Iran và có lẽ họ sẽ đề nghị Mỹ, Israel, hỗ trợ.