Lãnh thổ Palestine, một trong những nơi đông đúc nhất trên Trái đất, bị tấn công liên tục từ hôm 7/10, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, các quan chức y tế ở Dải Gaza cho biết. Cuộc tấn công chớp nhoáng này là sự trả thù cho cuộc tấn công tàn khốc vào Israel của nhóm cầm quyền Hamas ở Gaza mà quân đội Israel cho biết đã giết chết hơn 1.200 người.
Nhà máy điện duy nhất của Gaza, vốn hoạt động không liên tục trong nhiều ngày, đã ngừng hoạt động hôm 11/10 sau khi hết nhiên liệu. Người dân ở Dải Gaza phải sống chung với cảnh không có điện, nước không thể bơm vào nhà được. Khi màn đêm buông xuống, chỉ còn những tia sáng chói lóa từ những chiếc điện thoại được dùng làm đèn pin.
Yamen Hamad, 35 tuổi, một ông bố 4 con và căn nhà của anh ta đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công của Israel vào phía bắc Gaza, cho biết: “Tôi đã trải qua tất cả các cuộc chiến tranh và xâm lược trong quá khứ nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì tồi tệ hơn cuộc chiến này”.
|
Người đàn ông bé một đứa trẻ ở Gaza bị thương. Ảnh: Reuters. |
Tại một bệnh viện ở Khan Younis, miền nam Gaza, người thân và bạn bè phải xếp hàng bên ngoài nhà xác quá tải, nơi các thi thể được đặt trên sàn vì phòng lạnh đã đầy hoặc không có điện.
Những người đưa tang đang tuyệt vọng để chôn cất những người thân yêu của họ một cách nhanh chóng trước khi cái nóng trái mùa ập đến. Họ nói những lời cuối với các thi thể, cầu nguyện cho các linh hồn được yên nghỉ trước khi khiêng họ đến những ngôi mộ gần đó.
Reuters đã phỏng vấn hơn ba chục người ở Gaza và hầu hết đều đồng tình với quan điểm của Hamad. Họ mô tả một bức tranh kinh hoàng và tuyệt vọng trước tình hình bạo lực tồi tệ nhất mà họ từng chứng kiến.
Biên giới duy nhất còn lại của dải đất là phần giáp với Ai Cập đã bị chính quyền Ai Cập phong tỏa, khiến những người dân ở Dải Gaza rơi vào tình cảnh mắc kẹt.
|
Khung cảnh đổ nát ở Gaza sau những cuộc tấn công của Israel. |
Với biên giới duy nhất còn lại của dải đất là Ai Cập đã bị chính quyền Ai Cập phong tỏa, người dân cho biết họ đã bị mắc kẹt.
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 175.000 người Gaza đã rời bỏ nhà cửa kể từ hôm 7/10. Một số cơ quan viện trợ ở Dải Gaza cho biết, Gaza hiện nay rơi vào tình trạng tồi tệ nhất mà họ có thể nhớ được, kể cả so với những đợt xung đột lặp đi lặp lại và 16 năm bị Israel phong tỏa kể từ khi Hamas lên nắm quyền năm 2007, sau một cuộc nội chiến ngắn ngủi với lực lượng trung thành với phe Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Tại một bệnh viện khác, bác sĩ Mohammad Abu Mughaseeb của tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho biết nguồn cung cấp y tế đã thiếu trong nhiều năm. Cuộc bao vây gia tăng của Israel càng khiến nguồn dự trữ cạn kiệt nhanh chóng, có thể sau vài tuần nữa.
“Nếu mọi chuyện tiếp diễn như thế này trong vài ngày nữa thì hệ thống y tế sẽ sụp đổ”, ông Mughaseeb cho biết khi đang phải ngủ trong bệnh viện vì nhà riêng của ông đã bị phá hỏng trong một đợt tấn công.
Các trường học của Liên Hợp Quốc đã trở thành nơi trú ẩn chính cho những người Gaza phải rời bỏ nhà cửa, với các gia đình chen chúc trong lớp học, một số ngủ trên nệm, số khác ngủ trên chăn.
Tại một trường học ở thành phố Gaza, âm thanh của vụ nổ khiến bọn trẻ sợ hãi, khiến các em và cha mẹ chúng tỉnh giấc. Nhiều người ngồi ngoài trời lo sợ sẽ bị chôn vùi bởi các cuộc không kích làm sập các tòa nhà bê tông.
Ở Khan Younis, một chiếc xe cấp cứu đứng ở cuối con hẻm với tiếng còi inh ỏi, một người đàn ông ngồi bên trong bế cô con gái nhỏ, đôi mắt họ mở to nhìn những khuôn mặt phủ đầy bụi. “Đừng sợ, đừng sợ”, người bố thì thầm với con.