New York Times đưa tin tòa án tại Canada ngày 11/12 đã cho phép bảo lãnh bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính (CFO) kiêm phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, với 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) trong khi xem xét đề nghị dẫn độ bà sang Mỹ.
Quyết định được đưa ra vào ngày thứ ba tòa án xem xét yêu cầu tại ngoại của bà Mạnh trong vụ việc làm phức tạp thêm quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đang mắc kẹt trong chiến tranh thương mại căng thẳng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên công khai bày tỏ quan điểm về vụ việc, nói ông có thể can thiệp vào quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ.
|
Bà Mạnh Vãn Châu đã được tòa án Canada cho bảo lãnh tại ngoại. Ảnh: Reuters. |
Giám sát 24/24
"Tôi hài lòng rằng dựa trên một số yếu tố của vụ việc, cụ thể là bà Mạnh là một nữ doanh nhân có học thức không có tiền án và một số người cũng chứng minh nhân cách tốt của bà, thì nguy cơ từ việc bà được tại ngoại có thể giảm xuống một mức độ chấp nhận được", thẩm phán William Ehrcke nói về quyết định của tòa.
Bà Mạnh và chồng sẽ chịu trách nhiệm chi trả 7 triệu CAD tiền bảo lãnh, và 3 triệu CAD còn lại sẽ do những người quen biết bà chi trả. Sau khi hoàn thành thủ tục giấy tờ của tòa án, bà Mạnh sẽ được trả tự do.
Trong thời gian tại ngoại, bà Mạnh sẽ chịu sự giám sát của 2 nhân viên bảo vệ và một tài xế cùng với thiết bị định vị GPS 24/24. Bà cũng sẽ bị giới nghiêm trong khoảng từ 23h đến 6h sáng hôm sau, thẩm phán cho biết.
Cho tới nay bà Mạnh đã bị giam giữ trong 10 ngày liên tiếp. Lần ra tòa tiếp theo của bà dự kiến diễn ra vào ngày 6/2.
Bà Mạnh, 46 tuổi, bị bắt khi đang chuyển tiếp chuyến bay tại sân bay quốc tế Vancouver, Canada, ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ. Bà Mạnh chính là con gái của chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi.
Mỹ đang yêu cầu dẫn độ bà Mạnh để xét xử các cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lên Iran. Mức án tối đa cho mỗi tội danh có thể lên đến 30 năm tù. Trong khi đó, quá trình xem xét đề nghị dẫn độ có thể kéo dài đến một năm.
Khi được các luật sư chúc mừng sau phán quyết của tòa, bà Mạnh đã khóc. Trong khi đó, chồng bà, ông Lưu Hiểu Tông, đứng nhìn vợ "qua hai lớp kính chống đạn", nở nụ cười tươi và giơ tay làm động tác chiến thắng, theo South China Morning Post.
Không lâu sau quyết định, Huawei đã phát đi thông cáo, khẳng định họ "tuân thủ mọi luật lệ và quy định phù hợp tại các nước và khu vực mà chúng tôi hoạt động, bao gồm việc kiểm soát xuất khẩu và các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu".
"Chúng tôi trông đợi một giải pháp kịp thời cho vấn đề này", thông cáo nêu.
|
Ông Lưu Hiểu Tông, chồng bà Mạnh Vãn Châu, tại tòa án ở Vancouver ngày 11/12. Ảnh: AP. |
Trung Quốc trả đũa?
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể can thiệp vào hành động của Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ bà Mạnh nếu việc này có thể phục vụ lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Trả lời Reuters ngày 11/12 về khả năng này, ông Trump khẳng định "bất kỳ điều gì tốt cho đất nước thì tôi sẽ làm". "Nếu tôi nhận thấy điều này (can thiệp) là tốt cho ưu tiên quan trọng là thỏa thuận thương mại, có lẽ sẽ lớn nhất từ trước đến nay, và tốt cho an ninh quốc gia, tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu thấy cần thiết", ông nói.
Theo nhà lãnh đạo, Nhà Trắng đã liên lạc với Bộ Tư pháp Mỹ lẫn các quan chức Trung Quốc, nhưng vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vụ việc.
"Phía họ vẫn chưa gọi điện cho tôi. Họ có trao đổi với người của tôi, nhưng chưa trực tiếp gọi tôi", ông cho biết.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc được cho là đã bắt giữ ông Michael Kovrig, cựu viên chức ngoại giao của Canada tại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Trung Quốc chưa có phản hồi tức thời về việc giam giữ ông Kovrig.
|
Ký họa phiên xem xét đề nghị tại ngoại của bà Mạnh (áo xanh) tại tòa án ở Vancouver, Canada. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để nắm được thông tin chi tiết về nơi giam giữ Michael cũng như để trả tự do một cách nhanh chóng và an toàn cho ông ấy", SCMP trích thông báo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), nơi ông Kovrig là cố vấn cấp cao phụ trách Đông Bắc Á.
Hiện chưa rõ việc này có liên quan đến vụ bà Mạnh hay không nhưng việc CFO của Huawei bị bắt giữ ở Canada đã làm dấy lên lo ngại về sự trả đũa đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc.
Viện dẫn một trường hợp tương tự, ông David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012, cho rằng việc Bắc Kinh bắt giữ cố vấn cấp cao Michael Kovrig có khả năng là hành động trả đũa cho vụ bắt giữ bà Mạnh, theo SCMP.
"Tôi không muốn suy đoán, nhưng trước đây cũng đã có trường hợp tương tự khiến tôi lo ngại", ông Mulroney nói và đề cập đến vụ việc Kevin và Julia Garratt, một cặp vợ chồng người Canada, bị phía Bắc Kinh giam giữ vào năm 2014, ngay sau khi Ottawa bắt giữ một công dân Trung Quốc theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.
Sau 30 năm sinh sống ở Trung Quốc mà không gặp sự cố nào, hai vợ chồng Garratt đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào tháng 8/2014 và bị buộc tội gián điệp và ăn cắp bí mật quân sự. Theo CBC News, cả hai người đều từ chối mọi tội danh bị cáo buộc.
Người vợ Julia được trả tự do vào tháng 2/2015 nhưng vẫn bị kiểm soát hạn chế và đến tháng 5/2016 mới có thể quay trở về Canada. Trong khi đó, người chồng Kevin được trả tự do vào tháng 9/2016.