Ngày 25/11, căng thẳng Nga và Ukraine bất ngờ bùng phát trở lại tại eo biển Kerch nối Biển Đen và Biển Azov, sau khi lực lượng biên phòng Nga nổ súng và bắt giữ ba tàu chiến Ukraine là Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu được cho là đang cố tình xâm phạm vùng biển của Nga ngoài khơi bán đảo Crimea trên Biển Đen.
Cụ thể, Nga đã ngăn cản 3 tàu Hải quân Ukraine đi qua dưới cây cầu ở eo biển Kerch bằng cách dùng tàu chở hàng chặn đường. Hai tàu pháo và một tàu kéo của Kiev sau đó bị bắn và bắt giữ. Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB cho biết thêm, 3 thủy thủ Ukraine bị thương sau vụ đụng độ này nhưng vết thương không nguy hiểm đến tính mạng.
|
Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang tại vùng biển ngoài khơi Crimea. Ảnh: The Drive. |
Về phần mình, Hải quân Ukraine khẳng định 6 thủy thủ của họ đã bị thương trong vụ Nga nổ súng bắt giữ 3 tàu Ukraine ngoài khơi Crimea. Ukraine tức giận, khẳng định họ không có hành động gì sai trái và kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt Nga.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho rằng, vụ va chạm ở eo biển Kerch là một hành động khiêu khích của Ukraine, với thời gian, địa điểm và cách thức đã được tính toán kỹ càng từ trước.
Điều này khiến dư luận lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Ukraine có thể xảy ra nếu sự việc không được giải quyết thỏa đáng.
Trên thực tế, căng thẳng giữa Moscow và Kiev xung quanh eo biển Kerch đã âm ỉ từ nhiều tháng qua. Ukraine cáo buộc Nga đang tìm cách phong tỏa cửa ngõ duy nhất để tàu Ukraine tiến vào các cảng của họ trên bờ biển Azov nhằm gây tác động đến nền kinh tế nước này và tăng cường quyền kiểm soát của (Moscow) với vùng biển.
Chính quyền Kiev thường cáo buộc nhà chức trách Nga cố tình gây cản trở giao thông hàng hải của tàu Ukraine qua eo biển Kerch. Đồng thời, trong năm nay, Ukraine cũng tăng cường đáng kể năng lực quân sự trên bờ biển Azov.
Tình hình leo thang căng thẳng Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi ngày 26/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề xuất lên Quốc hội việc ban hành tình trạng thiết quân luật trên toàn đất nước, điều mà trước đó Kiev chưa từng làm ngay cả sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014 hay trong cuộc xung đột đang diễn ra tại miền Đông Ukraine với lực lượng ly khai được Moscow hậu thuẫn.
|
Người dân Ukraine đốt lốp xe biểu tình trước Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kiev tối 25/11 sau vụ việc. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, ông Poroshenko cho biết việc ban bố tình trạng thiết quân luật không có nghĩa là tuyên bố chuyến tranh mà chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
Giới chuyên gia cho rằng tuyên bố của ông Poroshenko có thể cho thấy sự thận trọng của Ukraine để tránh đẩy căng thẳng ngay lúc này lên mức bùng nổ thành cuộc xung đột quân sự. Mặc dù có những phản ứng mạnh mẽ sau vụ việc nhưng họ sẽ cố gắng không để mọi việc vượt ngoài tầm kiểm soát.
Theo The Drive, căng thẳng xung quanh eo biển Kerch vào thời điểm này gần như là điều không thể tránh khỏi, song nó leo thang về mặt quân sự đến mức nào lại phụ thuộc vào Nga. Nếu hoạt động phong tỏa eo biển này là tạm thời và Moscow quyết định dỡ bỏ lệnh cấm lưu thông qua khu vực này, căng thẳng sẽ được hạ nhiệt đáng kể. Tuy nhiên, nếu Nga duy trì hoạt động phong tỏa lâu dài, nó lại trở thành vấn đề quân sự và địa chính trị phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.
Mời độc giả xem thêm video: Đối đầu căng thẳng tại căn cứ quân sự ở Crimea năm 2014 (Nguồn: VTC14)
Được biết, sau khi sự cố xảy ra ngày 25/11, cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc xoa dịu căng thẳng giữa Nga và Ukraine trên Biển Đen, đồng thời kêu gọi Moscow khôi phục tự do đi lại tại eo biển Kerch cũng như đảm bảo việc tự do tiếp cận các cảng của Ukraine tại Biển Azov phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 26/11, TASS dẫn lời Tổng Giám đốc cảng biển Crimea Alexei Volkov cho biết, hoạt động lưu thông qua kênh Kerch-Yenikale ở eo biển Kerch vừa được mở lại sau một ngày phong tỏa vì lý do an ninh.
"Quyết định cho phép các tàu đi lại qua kênh Kerch-Yenikale ở eo biển Kerch đã được ban hành vào khoảng 4 giờ sáng 26/11 (giờ địa phương). Nga đã di chuyển các tàu hàng chắn ngang dưới cầu Kerch để cho các tàu dân sự bắt đầu di chuyển qua eo biển này", ông Alexei Volkov thông báo.