Chiều 8/4, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, khi trả lời câu hỏi phóng viên nêu về việc hàng loạt hãng thời trang, trong đó có H&M đăng tải bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp trên trang web tiếng Trung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
|
Bản đồ Trung Quốc chứa "đường lưỡi bò" phi pháp là loại bản đồ không hợp pháp. |
Người phát ngôn yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. "Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cần phải tôn trọng và thực thi luật pháp Việt Nam" - bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
"Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế là không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực tế về vấn đề Biển Đông" - Người phát ngôn nhấn mạnh.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, làn sóng kêu gọi tẩy chay thương hiệu H&M đang lan nhanh trên các mạng xã hội của Việt Nam.
Nguyên nhân do theo thông báo hôm 2/4, chính quyền TP Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết các thương hiệu thời trang và du lịch bị gây áp lực phải thay đổi "cách mô tả Đài Loan và các khu vực nhạy cảm khác trên trang web của họ".
Hãng tin AP dẫn thông báo của chính quyền Thượng Hải nói rằng người dùng mạng internet đã báo cáo về "bản đồ có vấn đề" trên trang web của H&M. Vì vậy, Sở Quy hoạch và Tài nguyên Thượng Hải yêu cầu công ty Thuỵ Điển nhanh chóng sửa chữa bản đồ đó. Sau khi được triệu tập, H&M "đồng ý với yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc".
Trên các mạng xã hội của Việt Nam, nhiều người cho rằng bản đồ Trung Quốc chứa "đường lưỡi bò" phi pháp là loại bản đồ không hợp pháp. Việc H&M đồng ý sửa bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp chính là một trong những hành vi phi lý.
Các công ty nước ngoài cũng bị Trung Quốc bắt thay đổi bản đồ vẽ biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và các khu vực tranh chấp trên biển Đông.
Không chỉ H&M, hàng loạt thương hiệu thời trang như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, YSL, Zara, Uniqlo... cũng sử dụng bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp trên website tiếng Trung.