Trả lời câu hỏi trong buổi họp báo ngày 24/1 về khả năng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ tổ chức tại Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hiện vẫn chưa có thông tin về vấn đề này.
"Tôi cho rằng địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh sẽ do hai phía Mỹ và Triều Tiên quyết định. Tuy nhiên xin khẳng định lại Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tôi cũng rất tự tin về khả năng, năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế ở Việt Nam như chúng tôi đã thành công trong năm APEC 2017 và các hội nghị quốc tế khác”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Thời gian qua, truyền thông quốc tế nhiều lần dẫn các nguồn tin đề cập Việt Nam là ứng viên tiềm năng làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí chiều 24/1. Ảnh: NH |
"Tôi đã gặp các đại sứ Đông Á - Thái Bình Dương ngày vừa qua tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Hội nghị có thể sẽ diễn ra tại Hà Nội", nghị sĩ Michael McCaul của đảng Cộng hòa ngày 16/1 cho biết, theo Yonhap.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 13/1 dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết chính Tổng thống Trump đã gửi đề xuất cho phía Triều Tiên về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam, và Triều Tiên đang trong quá trình cân nhắc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/1 cho biết đã chọn một quốc gia cho hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp và "sẽ thông báo trong tương lai". “Ông Kim Jong Un rất nóng lòng, và tôi cũng vậy”, tổng thống Mỹ nói mà không cung cấp thêm chi tiết. Nhà Trắng đã xác nhận cuộc gặp sẽ diễn ra vào cuối tháng 2, theo Reuters.
Sau cuộc gặp lịch sử giữa 2 lãnh đạo vào ngày 12/6/2018, đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang rơi vào bế tắc. Từ đó cho đến nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên dừng thử hạt nhân và tên lửa, dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon và một phần bãi thử tên lửa Sohae, đồng thời thả những người Mỹ bị giam giữ.
Triều Tiên muốn Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vốn đang siết chặt nền kinh tế. Đổi lại, Mỹ trông chờ Triều Tiền có các bước đi giải trừ quân bị tiếp theo như khai báo chi tiết về chương trình hạt nhân để phục vụ việc thanh tra trong tương lai.
Tuy vậy, Triều Tiên đã bác bỏ yêu cầu này, cho rằng như vậy sẽ cho Mỹ thông tin tọa độ để tấn công các cơ sở hạt nhân, theo AP. Nhượng bộ lớn nhất mà ông Kim có thể đưa ra trong cuộc gặp lần thứ hai với tổng thống Mỹ có thể sẽ là cam kết từ bỏ chương trình tên lửa tầm xa có tầm ngắm tới Mỹ, AP dẫn lời các chuyên gia.