Theo CNN, Fuyumi Iimura, vợ của nghệ nhân bonsai tại tỉnh Saitama, gần Tokyo, nói những tên trộm đánh cắp số cây bonsai quý trong nhiều đêm. Chúng rất chuyên nghiệp bởi chỉ nhắm vào những cây có giá trị cao nhất bởi khu vườn rộng gần 5.000 hecta có tới 3.000 cây bonsai.
|
Gia đình Limura sở hữu vườn bonsai với hơn 3.000 cây. |
Trong bài viết đăng tải trên mạng xã hội, bà Fuyumi nói mình đau xót giống như mất con. Điều tồi tệ nhất mà bà lo ngại là 7 cây bonsai bị đánh cắp, trong đó có cây đã tồn tại tới 400 năm, bị bỏ mặc cho đến chết.
“Hàng thế kỷ công sức chăm sóc sẽ trở nên công cốc”, bà Fuyumi nói. “Tôi muốn gửi lời đến bất cứ ai lấy cây bonsai, rằng hãy chăm sóc và tưới nước cho chúng đầy đủ. Có cây bonsai đã sống tới 400 năm. Nó sẽ không tồn tại được trong một tuần nếu không có nước”.
“Chúng có thể sống mãi mãi, rất lâu sau khi chúng ta qua đời, miễn là được chăm sóc cẩn thận”.
Theo CNN, cây bonsai 400 năm tuổi có giá trị lên tới 91.000 USD trong khi cả 7 cây bị đánh cắp có giá trị tổng cộng khoảng 118.000 USD. Nhưng giá chợ đen có thể còn cao hơn nhiều.
Chúng tôi chăm các cây cảnh như con mình", bà Fuyumi nói. "Không từ ngữ nào diễn tả được cảm xúc của chúng tôi lúc này. Chúng tôi như bị mất đi chân tay".
Chồng của Fuyumi, Seiji Iimura, là nghệ nhân bonsai thế hệ thứ năm trong một gia đình có truyền thống theo nghề trồng cây cảnh từ thời Edo (1603-1868).
Bà Fuyumi cho biết cây bonsai 400 tuổi được lấy từ một ngọn núi. Nó ban đầu có kích thước lớn nhưng đã được thu nhỏ còn chiều cao 1 mét và rộng hơn 60cm khi bị trộm. "Đó không phải là việc có thể hoàn thành chỉ trong một đêm", bà nói.
Không có thống kê rõ ràng về nạn đánh cắp cây bonsai, nhưng điều này vẫn thường xảy ra ở Nhật Bản. Những tên trộm có thể đem bán lại những cây bonsai với giá cao cho những người sưu tầm.
Đã có những trường hợp người chơi bonsai bị mất cắp, lên mạng tìm thấy chính cây của mình đang được rao bán, hoặc nằm trong bộ sưu tập của người khác, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buối sáng (SCMP).