Thực trạng này đã được phản ánh trong báo cáo công bố trên tạp chí The Lancet ngày 8/5.
Theo báo cáo được tổng kết qua khảo sát tại 189 quốc gia trên thế giới, với đà tăng này, lượng rượu, bia tiêu thụ tính trên đầu người sẽ tăng thêm 17% trong 10 năm tới. Dự báo, đến năm 2030, có tới 50% người trưởng thành tiêu thụ các đồ uống có cồn và gần 1/4 trong số đó sẽ "say sưa" ít nhất 1 lần/tháng.
|
Dự báo, đến năm 2030, có tới 50% người trưởng thành tiêu thụ các đồ uống có cồn và gần 1/4 trong số đó sẽ "say sưa" ít nhất 1 lần/tháng. Ảnh: merkur.de |
Các tác giả nghiên cứu đánh giá thế giới đang rời xa các mục tiêu về giảm lượng tiêu thụ rượu, bia mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra, theo đó giảm 10% việc sử dụng các đồ uống có cồn gây hại vào năm 2025. Qua đó, các tác giả cũng kêu gọi chính phủ các nước cần đưa ra các biện pháp hạn chế hiệu quả hơn như tăng thuế và cấm quảng cáo.
Theo WHO, đồ uống có cồn có liên quan đến hơn 200 căn bệnh và là nguyên nhân khiến hơn 3 triệu người tử vong mỗi năm, trong đó nam giới chiếm 75%. Cụ thể, trên toàn thế giới có khoảng 237 triệu nam giới và 46 triệu nữ giới mắc các chứng bệnh liên quan đến đồ uống có cồn, trong đó châu Âu đông nhất (tỷ lệ nam nữ tương ứng là 15% và 3,5%), tiếp sau là Bắc Mỹ (11,5% và 5%).
Báo cáo chỉ ra trước năm 1990, châu Âu là khu vực có tỷ lệ sử dụng rượu, bia cao nhất thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước có thu nhập cao. Tình trạng tiêu thụ đồ uống có cồn tại châu Âu có xu hướng giảm nhẹ, trái ngược với đà tăng vọt ghi nhận tại nhiều nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Ấn Độ...
Theo báo cáo trên, trong năm 2017, châu Âu và Bắc Mỹ vẫn là 2 khu vực tỷ lệ người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ đồ uống có cồn cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Điển hình tại Pháp, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình của cả nam và nữ giới là 12 lít, trong đó nam giới tiêu thụ vào khoảng 19 lít, còn nữ giới là 6 lít. Mỹ ghi nhận mức tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình ở cả hai giới là dưới 10 lít.
Tại Trung Quốc, mức tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình của nam và nữ giới là trên 7 lít. Tuy nhiên, với lượng đồ uống có cồn tiêu thụ tại Trung Quốc tăng gần 70% trong giai đoạn 1990-2017, các nhà nghiên cứu dự báo đến năm 2030, trung bình mỗi người Trung Quốc tiêu thụ hơn 10 lít, vượt Mỹ.
Còn tại Ấn Độ, trong năm 2017, lượng rượu, bia trung bình tiêu thụ tính trên đầu người ở nước này vào khoảng dưới 6 lít. Song với đà tăng gấp 2 lần so với năm 1990, các nhà nghiên cứu dự báo đến năm 2030, lượng tiêu thụ rượu, bia tính trên đầu người tại đây tăng 50%.
Báo cáo cũng liệt kê Bắc Phi và Trung Đông là hai khu vực tiêu thụ rượu, bia ít nhất thế giới trong năm 2017, chưa tới 1 lít/người/năm. Trong khi đó, khu vực Trung và Đông Âu là khu vực tiêu thụ nhiều rượu, bia nhất thế giới với lượng tiêu thụ trung bình 12 lít/người/năm.