Tuần trước, Công viên Quốc gia Gỗ đỏ (Redwood) ở bang California (Mỹ) đưa ra thông báo bất kỳ ai đến gần cây Hyperion sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 6 tháng và đóng khoản tiền phạt 5.000 USD. Khu vực này đã chính thức bị đóng cửa vô thời hạn vì những thiệt hại gây ra bởi khách tham quan. Hyperion – cây gỗ đỏ ven biển (sequoia sempervirens) được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới chứng nhận là cây cao nhất thế giới còn sống.
|
Thân cây cao nhất thế giới Hyperion có đường kính 4,84 mét. Ảnh: Shutterstock. |
Hyperion nằm sâu trong công viên và không có đường mòn dẫn đến cái cây này. Sau khi hai nhà tự nhiên học tìm thấy Hyperion vào năm 2006, nhiều người thích phiêu lưu, cảm giác mạnh đã vượt rừng
đến thăm cây cao nhất thế giới này. Vì thế, cây đối mặt tình trạng suy thoái môi trường càng lúc càng nghiêm trọng.
“Hyperion nằm xa đường mòn xuyên qua thảm thực vật rậm rạp. Vì thế, để đến được cái cây này, người ta phải phát quang bụi rậm. Bất chấp hành trình khó khăn, người ta đến với Hyperion càng lúc càng đông vì cái cây này càng lúc càng được biết đến rộng rãi nhờ các blogger, người viết về du lịch và trang web về loài cây xa xôi này. Điều đó đã dẫn đến sự tàn phá của môi trường sống xung quanh Hyperion”, Công viên Quốc gia Gỗ đỏ viết trên website của mình.
|
Cây hồng sam Hyperion cao 115,92 mét. Ảnh: National Geographic. |
Trong suốt 16 năm, công viên Redwood không tiết lộ vị trí của cây Hyperion nhằm bảo vệ nó. Nhiều năm qua, kích cỡ khổng lồ và tính bảo mật của Hyperion đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng về cây này.
Trong tuyên bố của công viên, những người ưa mạo hiểm sẽ phải đưa ra lựa chọn giữa việc bảo tồn cây cao nhất thế giới hay tham gia vào quá trình phá hủy nó.
“Là một du khách, bạn phải quyết định xem bạn sẽ tham gia bảo tồn cảnh quan độc đáo này hay sẽ tham gia phá hủy nó?”, ông Leonel Arguello, giám đốc tài nguyên thiên nhiên của Công viên, nói với trang tin San Francisco Gate.
Ông Arguello nói thêm rằng, trong khu vực có cây Hyperion, sóng điện thoại di động yếu, dịch vụ định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) chập chờn nên rất khó tìm kiếm, cứu hộ người lạc đường, gặp nạn trong khu vực này.