Mọi thứ đều rõ ràng trong "ván bài Brexit" của Chính phủ Anh, từ phiên bỏ phiếu lần hai tại hạ viện chắc chắn sẽ diễn ra vào ngày 12/3 tới, cho đến hướng đi của Thủ tướng Theresa May trong 5 ngày nước rút tới vẫn là kiên trì tìm kiếm những ràng buộc pháp lý với điều khoản "rào chắn" về vấn đề biên giới trên đảo Ireland. Điều then chốt, là những ràng buộc mà Anh có được sau các cuộc đàm phán lại với EU để hiện thực hóa các kế hoạch trên, thì lại không rõ ràng.
Trong thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đạt được hồi tháng 11/2018 sau gần 2 năm đàm phán chật vật, điều khoản "rào chắn" đã được đưa vào như chìa khóa tháo gỡ bế tắc khi cho phép duy trì đường biên giới mềm, không chốt chặn kiểm soát giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland. Đây là đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và liên minh châu Âu hậu Brexit. Thông thường, hai bên sẽ thiết lập đường biên giới cứng nếu không có thỏa thuận nào đạt được.
Nhưng điều này chẳng khác nào mồi lửa làm tái bùng phát những mâu thuẫn tại vùng Bắc Ireland, bởi ở đây luôn tồn tại một phe ủng hộ là một phần trọn vẹn trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, một phe muốn tách khỏi để sáp nhập với CH Ireland. Mâu thuẫn này từng là nguyên nhân khiến gần 3.500 người thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài từ năm 1968 đến năm 1998, trước khi thỏa thuận "Thứ Sáu tốt lành" được ký kết.
|
Thủ tướng Theresa May trả lời các câu hỏi chất vấn tại phiên họp Quốc hội ở London, Anh ngày 6/3. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo điều khoản "rào chắn", Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ở lại Liên minh thuế quan EU, trong khi vùng Bắc Ireland duy trì mối quan hệ gần gũi hơn và ở lại Thị trường chung EU cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, chính điều khoản này đã gây chia rẽ sâu sắc trong chính trường Anh và dẫn tới thất bại cay đắng của Chính phủ Anh trong cuộc bỏ phiếu tại hạ viện hồi giữa tháng 1/2019. Chính phủ Anh sau đó kiên trì đàm phán lại với EU, tìm kiếm những thay đổi mang tính ràng buộc pháp lý đề điều khoản này được chấp nhận tại hạ viện.
Cuộc đàm phán mới nhất tại Brussels ngày 5/3 kết thúc với kết quả không thể đáng thất vọng hơn. Không có tiến triển, không có giải pháp đột phá là những gì truyền thông có thể miêu tả về cuộc gặp kéo dài 3 giờ. Các quan chức EU đều tỏ ra quan ngại, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier thông báo hiện vẫn chưa có giải pháp nào đạt được đồng thuận.
Trong khi đó, phía Anh tỏ ra thận trọng. Người phát ngôn của Thủ tướng Theresa May cho biết các cuộc đàm phán kỹ thuật ở cấp thấp hơn vẫn tiếp diễn, đồng thời tái khẳng định mục tiêu của chính phủ là tìm ra những thay đổi mang tính ràng buộc về pháp lý để Anh không mắc kẹt trong điều khoản "rào chắn" vô thời hạn. Khả năng hai bên có thể tiến tới thỏa thuận trong cuối tuần này rất thấp, đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn cho tới sát ngày 12/3. Một số quan chức EU cũng hướng tới kịch bản nếu các nhà đàm phán có thể đạt được một thỏa thuận trong cuối tuần này, bà May sẽ lập tức tới Brussels để ký kết và mang thỏa thuận về nước chỉ 1 ngày trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. 28 lãnh đạo quốc gia thành viên EU, gồm cả bà May, sẽ quyết định trong hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 21-22/3 tới về việc có nên gia hạn thời gian đàm phán, qua đó trì hoãn hạn chót Brexit vào ngày 29/3 tới, hay không.
Trong khi kiên trì theo đuổi đàm phán, bà May cũng tìm cách tiếp cận lá phiếu của nghị sĩ trong nước khi cho phép Công đảng đối lập thêm nhiều cơ hội lên tiếng về quyền của người lao động hậu Brexit. Với đảng Bảo thủ cầm quyền, để xoa dịu và tìm kiếm sự ủng hộ từ những người chủ trương Brexit lẫn những người ủng hộ EU , chính phủ hiện đang thúc đẩy một đề xuất nhằm tìm các giải pháp thay thế điều khoản "rào chắn". Việc tìm các giải pháp thay thế điều khoản trên là yêu cầu đặc biệt của các nghị sĩ hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ, vốn kịch liệt phản đối thỏa thuận Brexit, nhưng gợi ý rằng có thể đồng ý với một thỏa thuận sửa đổi nếu điều khoản "rào chắn" chỉ mang tính tạm thời, hoặc Anh có thể đơn phương chấm dứt hiệu lực của điều khoản này. Những động thái trên cho thấy tuy kết quả đàm phán không giúp Chính phủ Anh nhích thêm một chút nào tới mục tiêu đề ra, nhưng họ vẫn tiếp tục đặt cược vào ván bài này với khẳng định "EU muốn giải quyết vấn đề".
Nếu sau mọi nỗ lực của chính phủ, thỏa thuận Brexit vẫn không nhận được sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/3, Hạ viện Anh sẽ tiếp tục bỏ phiếu về các khả năng gồm Brexit không thỏa thuận hoặc trì hoãn Brexit. EU sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Hạ viện Anh trong tuần tới, nhưng rất ít ý kiến tại Brussels tin rằng thỏa thuận Brexit sẽ được ủng hộ. Một quan chức ngoại giao EU cho rằng mọi thứ vẫn "dậm chân tại chỗ", giờ chỉ còn chờ đợi xem thời gian trì hoãn sẽ kéo dài bao lâu sau cuộc bỏ phiếu.
Khi lo ngại ngày càng dâng cao hai bên bờ eo biển Manche, rằng một Brexit không có thỏa thuận đang kéo đến gần, EU lại nhẹ nhàng gợi ý London về khả năng trì hoãn Brexit. Song song với lời hứa EU sẵn sàng chấp nhận thay đổi cần thiết để thỏa thuận Brexit được ủng hộ, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU còn bày tỏ rằng các lãnh đạo EU sẽ đồng thuận nếu Anh đề nghị hoãn hạn chót rời khỏi khối, để có thêm thời gian cho hạ viện nước này chính thức phê chuẩn một thỏa thuận Brexit cuối cùng. Thủ tướng May cũng có phần dao động, tuần trước đã mở đường cho một "khoảng gia hạn" Brexit ngắn, mà nhiều ý kiến tại EU cho rằng có thể đến cuối tháng 6, thậm chí dài hơn. Một quan chức EU nhận định nếu thỏa thuận được ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu lần 2, Brexit vẫn cần gia hạn trong thời gian ngắn để Anh hoàn tất các quy trình pháp lý. Nếu không được thông qua, một quãng gia hạn ngắn sẽ không giúp giải quyết vấn đề, vì vậy ít nhất là Brexit sẽ kéo dài thêm 6 tháng, có thể là 9 tháng, hay thậm chí là một đến 2 năm và cũng không loại trừ khả năng Brexit không diễn ra.
Rốt cuộc thì tình cảnh Brexit của nước Anh tới giờ phút này vẫn là "giữa ngã ba đường". Chính phủ của Thủ tướng May thì rõ ràng không còn cách nào khác phải "chơi tới cùng" trong ván bài nhiều rủi ro mà họ đã đặt cược. Thắng hay thua, phụ thuộc vào những nỗ lực cuối cùng của Thủ tướng May trong khoảng thời gian còn lại trước cuộc bỏ phiếu quyết định ngày 12/3.