Một tuyên bố bằng văn bản của JCS cho hay, Triều Tiên phóng vật thể lạ từ một khu vực gần địa điểm phóng tên lửa tầm xa Dongchang-ri vào lúc 7h36 ngày 6/3 rồi sau đó rơi xuống biển phía đông Triều Tiên (hay còn gọi là Biển Nhật Bản) (*).
Một quan chức quân sự làm ở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ, đó có thể là một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới đất liền nước Mỹ.
|
Ảnh minh họa: India Writes |
Dongchang-ri là khu vực nằm gần biên giới của Triều Tiên với Trung Quốc. Đây cũng là nơi nước này tiến hành phóng một quả tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh để đưa lên vũ trụ vào hồi năm ngoái. Liên Hiệp Quốc lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên do vi phạm lệnh cấm sử dụng công nghệ tên lửa.
Mới đây nhất, ngày 12/2, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung ra Biển Nhật Bản.
Cuối tuần qua, Triều Tiên đã đe dọa sử dụng các biện pháp đáp trả mạnh mẽ sau khi Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên vào ngày 1/3 với mục tiêu nâng cao tinh thần chiến đấu trước các hành động từ phía Bình Nhưỡng.
(*) Biển Nhật Bản là một vùng biển nằm ở Đông Á, thuộc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong khu vực này mỗi nước lại đặt cho biển một cái tên khác nhau, một phần do lịch sử phức tạp ở vùng này. Người Nhật gọi vùng biển này là "biển Nhật Bản", người Hàn Quốc gọi là Dongahe (Đông Hải hay biển Đông), CHDCND Triều Tiên thì sử dụng tên gọi là "Triều Tiên Đông Hải".
Dẫu vậy, hiện nay, 97,2% các bản đồ quốc tế và các văn bản chỉ sử dụng tên gọi Biển Nhật Bản, số còn lại chủ yếu dùng cả tên Biển Nhật Bản và Biển Đông, thường với Biển Đông được liệt kê trong dấu ngoặc đơn hoặc được đánh dấu là một tên thứ cấp. Hoa Kỳ, Trung Quốc và hầu hết các nước chỉ sử dụng tên gọi là biển Nhật Bản. Liên Hiệp Quốc cũng sử dụng tên gọi biển Nhật Bản.