Truyền thông quốc tế tiếp tục có các bài viết đánh giá Việt Nam trụ vững khi đối đầu với đại dịch COVID-19 nhờ phản ứng mau lẹ, quyết liệt, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tế và giúp đỡ các nước khác trong cuộc chiến gay go này.
Theo Đài phát thanh NPR (Mỹ), nền tảng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 là sớm thực hiện chính sách quyết liệt về giãn cách xã hội, dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ và tính kỷ luật có hệ thống của chính phủ, cũng như dựa trên kinh nghiệm chống lại các trận đại dịch trước đó.
|
Tranh cổ động tuyên truyền về COVID-19 được đặt ở các điểm nút giao thông của Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Còn tờ The Strategist (Mỹ) nhận định rằng Việt Nam có số ca mắc COVID-19 dưới 300 ca và không có bất kỳ ca tử vong nào - là kết quả của việc theo dõi cẩn thận và rộng rãi việc di chuyển của người dân, đo nhiệt độ thường xuyên tại các cửa khẩu sân bay và những nơi công cộng, quản lý tốt việc cách ly tập trung.
Theo tờ báo này, Việt Nam cũng đã thể hiện "đi đầu" trong lĩnh vực ứng nghiệm đổi mới bằng cách sáng chế và xuất khẩu những bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, giá cả phải chăng, cũng như tổ chức cách ly tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nhằm tránh tiếp xúc với hàng xóm và người thân.
The Strategist nhấn mạnh chiến lược quan trọng then chốt của Việt Nam là phản ứng mau lẹ để giảm lây nhiễm và giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y bác sỹ, nhưng đồng thời, hệ thống y tế Việt Nam cũng cho thấy mặt mạnh là được trang bị đầy đủ và tính cơ động tốt.
Trong khi đó, Tờ Nikkei Asian Review lưu ý rằng những biện pháp của Việt Nam trong chống dịch COVID-19 là vì lợi ích của toàn cộng đồng.
Tờ East Asia Forum nhận định rằng sau tất cả những thử thách cam go này, tiếng nói của Việt Nam sẽ rất có trọng lượng và đầy thuyết phục, không chỉ trên diễn đàn khu vực mà cả trên trường quốc tế.
Bloomberg đưa tin Việt Nam đã tặng 250.000 khẩu trang y tế cho Mỹ, chuyển khẩu trang và thiết bị y tế sản xuất nội địa trị giá 100.000 USD cho Nhật Bản và trước đó đã quyên góp số lượng tương tự tặng cho các nước láng giềng Campuchia, Lào và các nước châu Âu.
Tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga) cũng đăng thông tin về việc 150.000 khẩu trang kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam được chuyển sang Nga.
Báo này cũng nhắc lại tuần trước, Nga đã nhận thêm 50.000 khẩu trang do Việt Nam trao tặng.