Hơn nửa tháng nữa, Việt Nam sẽ trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc, đồng thời giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng trong tháng 1/2020. Tầm quan trọng của hòa bình, ổn định được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung liên hệ với niềm vui chung của cả nước những ngày qua.
“Thắng lợi của đội bóng đá nam và đội bóng đá nữ Việt Nam cũng là thắng lợi của tình hữu nghị... dấu ấn của một đất nước có hòa bình, có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, để lại thành tựu về thể thao”, ông Lê Hoài Trung phát biểu trong cuộc họp báo sáng 12/12 về nhiệm kỳ 2020-2021 của Việt Nam trong HĐBA.
Ông chỉ ra rằng các vấn đề đe dọa hòa bình, ổn định trên thế giới đều ảnh hưởng tới Việt Nam, và việc tham gia HĐBA nhằm góp phần tạo môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi sẽ có lợi cho Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo về việc Việt Nam đảm nhiệm ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 vào sáng 12/12. Ảnh: Duy Hiệu. |
Có thể cử công binh tham gia gìn giữ hòa bình
Liên Hợp Quốc đang có tổng cộng 14 phái bộ gìn giữ hòa bình. Việt Nam tham gia hai phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Ở Nam Sudan, Việt Nam đóng góp bằng việc cử bệnh viện dã chiến cấp 2.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết đã có gần 100 cán bộ chiến sĩ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại hai nơi này, ban đầu là các sĩ quan tham mưu, gần đây hơn là bệnh viện dã chiến cấp 2.
“Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam được LHQ đánh giá là cao nhất trong các nước tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ”, ông Lê Hoài Trung nói. “Các quốc gia đánh giá cao các cán bộ chiến sĩ của Việt Nam... tham gia nghiêm túc nhiệm vụ, hoạt động rất hiệu quả, không những hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình các nước mà còn tham gia hỗ trợ cộng đồng địa phương”.
Ông cho biết sắp tới Việt Nam có kế hoạch tham gia lực lượng công binh.
Các nước thành viên LHQ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình theo một số hình thức như: sĩ quan tham mưu hoặc quan sát viên, đơn vị bộ binh, các lực lượng hỗ trợ (như y tế, công binh, trực thăng), và lực lượng cảnh sát, Thứ trưởng Hoài Trung giải thích thêm.
“Trung Đông, Trung Phi bất ổn sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam”
Về tình hình quốc tế, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đánh giá: “Nếu Trung Đông bất ổn, không thể nói là không ảnh hưởng tới Việt Nam, vì đó là các đối tác thương mại, đầu tư và thị trường lao động của Việt Nam. Ở Trung Phi các nước khó khăn cũng đều là bạn bè của chúng ta, là đối tác kinh tế, đối tác đầu tư tiềm tàng, và (có thể dẫn đến) vấn đề buôn người, buôn ma túy, tội phạm xuyên quốc gia”.
Ông khẳng định cách tiếp cận của Việt Nam khi tham gia HĐBA sẽ tiếp nối đường lối đối ngoại từ lâu là thúc đẩy hòa bình, ổn định trên thế giới, ủng hộ giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của mọi quốc gia, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Đường lối đó cũng bao gồm chủ động tham gia, phát huy vai trò các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc.
“Việt Nam sẽ nỗ lực vươn lên để tích cực, đóng góp vào vai trò trung gian hòa giải, giải quyết các vấn đề quốc tế chung, phù hợp với lợi ích quốc gia, trong điều kiện cho phép”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu.
Trả lời câu hỏi Việt Nam sẽ xử lý như thế nào trong nhiệm kỳ HĐBA trước các vấn đề quốc tế gây chia rẽ gay gắt, như Triều Tiên, Syria, tranh chấp Ấn Độ - Pakistan hay Palestine - Israel, ông Lê Hoài Trung đề cao vai trò của Hiến chương Liên Hợp Quốc và nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, tôn trọng độc lập chính trị, quyền tự quyết của các dân tộc.
“Nói nghe trừu tượng vậy, nhưng khi nảy sinh vấn đề, chúng ta phải theo hướng đó”, Thứ trưởng Hoài Trung giải thích.
“Nếu có vấn đề, phải xem có vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế hay không. Đã có nghị quyết nào của HĐBA hay chưa về hành động đó? Các quốc gia liên quan, tổ chức khu vực phát biểu quan ngại và lập trường như thế nào”, ông nói. “Ví dụ như ở châu Phi thì phải lắng nghe các nước châu Phi mà là thành viên HĐBA”.
|
“Thắng lợi của đội bóng đá nam và đội bóng đá nữ Việt Nam... là dấu ấn của một đất nước có hòa bình”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Hai nội dung thúc đẩy khi VN làm Chủ tịch
Việt Nam sẽ làm chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và tháng 4/2021, vì chức chủ tịch HĐ được luân phiên theo thứ tự chữ cái. Dự kiến, trong tháng 1/2020, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ sang New York để chủ trì một số phiên họp của HĐBA.
Chủ tịch HĐBA sẽ chủ trì các cuộc họp của HĐBA, và khi được HĐBA cho phép có thể đại diện cho HĐ ra tuyên bố.
Trong tháng 1/2020 Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA, ngoài các cuộc họp và tham vấn thường kỳ, lịch làm việc dự kiến của HĐBA còn có hai phiên họp do Việt Nam đề xuất.
Cuộc tranh luận mở (open debate) cấp bộ trưởng ngày 9/1 bàn về việc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới, nhân kỷ niệm 75 năm ra đời LHQ. Thảo luận ngày 23/1 theo hình thức “briefing” (một hình thức trao đổi của HĐBA) sẽ bàn về chủ đề hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN.
Trong nhiệm kỳ HĐBA của mình, Việt Nam dự kiến sẽ chia sẻ các kinh nghiệm sẵn có về tái thiết hậu xung đột, giải quyết hậu quả chiến tranh.
“Việt Nam cũng đang trao đổi với các chuyên gia, theo các vấn đề hậu xung đột, hòa giải dân tộc, và giải quyết bom mìn”, ông Trung nói. “Việt Nam có kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ. Cùng với đó chúng tôi sẽ thúc đẩy vấn đề vai trò phụ nữ, trẻ em trong hòa bình, an ninh hay vấn đề gìn giữ hòa bình”.
|
Một nghị quyết cần 2/3 số phiếu của HĐBA để thông qua, trong đó không nước nào trong 5 nước ủy viên thường trực bỏ phiếu phủ quyết. Ảnh: AFP. |
Chủ tịch hai ủy ban trừng phạt
5 nước ủy viên mới vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 là Việt Nam, Tunisia, Niger, St. Vincent & Grenadine và Estonia. Trong đó, St. Vincent & Grenadine tự quảng bá là quốc gia nhỏ nhất từng trúng cử vào HĐBA với dân số là 110.000 người.
Tuy Hiến chương Liên Hợp Quốc không cho các quốc gia dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhưng HĐBA là ngoại lệ, và là cơ quan duy nhất có thể đưa ra các biện pháp vũ lực, cho phép hành động quân sự, hay thành lập phái bộ gìn giữ hòa bình để giúp kiểm soát xung đột.
Chẳng hạn, HĐBA từng cho phép quân liên minh tấn công, đẩy lui lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait. HĐBA cũng từng áp đặt vùng cấm bay ở Libya, và cho phép các nước không kích các cơ sở phòng không của Libya để thực thi biện pháp trừng phạt này.
Hiện nay, HĐBA có 14 ủy ban phụ trách các biện pháp trừng phạt đã được đưa ra, và mỗi ủy ban do một nước ủy viên không thường trực làm chủ tịch. Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam sẽ làm chủ tịch hai ủy ban trừng phạt về Nam Sudan và Lebanon, bao gồm các biện pháp như cấm đi lại, phong tỏa tài sản, cấm xuất nhập khẩu vũ khí.
Các biện pháp trừng phạt của HĐBA khác với trừng phạt đơn phương như Mỹ áp dụng với Venezuela, Iran, vì được đưa ra dựa theo luật pháp quốc tế.