Nhu cầu lớn của Trung Quốc
Khoảng một thế kỷ trước đây, những người theo chủ nghĩa Mác tin vào cái gọi là “chế độ chuyên quyền phương Đông” xuất hiện ở châu Á vì nhu cầu kiểm soát nguồn nước ở Trung Quốc và các nơi khác. Năm 1957, nhà xã hội học người Mỹ gốc Đức Karl Wittfogel xuất bản nghiên cứu về chủ đề này, cảnh báo rằng nhu cầu kiểm soát nước tưới tiêu và các mục đích khác trong khu vực đã khai sinh ra một nhà nước toàn trị không giống bất kỳ mô hình nào từng phát triển ở phương Tây.
Theo các nhà phân tích, ngày nay, Trung Quốc một lần nữa tìm tới nước như một trong những đòn bẩy chiến lược mạnh mẽ nhất của nước này.
Ở hầu hết các khu vực trên thế giới ngày nay, nước là nguồn tài nguyên quý giá hơn nhiều so với dầu mỏ, nguồn vàng đen từng "ngự trị" thế kỷ 20. Quá nhiều người đang sống thiếu nước. Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đặt “khủng hoảng nguồn nước” là nguy cơ xã hội số một của nhân loại. Trong khi đó, Trung Quốc là nơi sinh sống của 21% dân số thế giới, nhưng chỉ có 7% lượng nước ngọt của thế giới. Đất nước này có nhiều khu vực khô hạn, với hơn 15% diện tích đất đại được xếp vào dạng sa mạc. Mở rộng canh tác cho tưới tiêu trồng trọt, sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu dẫn tới nhu cầu nước nhiều hơn.
Để mang lại nguồn nước cho hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc từ lâu đã cam kết kiểm soát “bể chứa nước của châu Á” - cao nguyên Tây Tạng. “Bể chứa” này nuôi các dòng sông băng, suối ngầm, hồ trên núi rộng lớn và thác nước cao chót vót ở khắp châu Á. Cao nguyên Tây Tạng và dãy Himalaya bao quanh giữ đầu nguồn của nhiều con sông lớn nhất châu lục, trong đó có Hoàng Hà, Dương Tử, sông Mekong, sông Hằng, Salween Sutej và Brahmaputra – tất cả kết hợp để cung cấp nước cho gần một nửa dân số thế giới. Để giải quyết khủng hoảng nước riêng của mình, Trung Quốc đã xây đập trên các con sông chảy từ Tây Tạng, chuyển hướng dòng nước thường đổ vào các nước láng giềng châu Á.
|
Đập Tiểu Loan trên dòng sông Mekong của Trung Quốc. Ảnh: International Rivers. |
Nguy cơ bất ổn an ninh lương thực
Theo Tổ chức sông ngòi quốc tế, Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào hoạt động 6 đập thủy điện trên sông Lan Thương (dòng chính tại thượng nguồn sông Mekong) và có kế hoạch xây dựng chuỗi 7 đập trên đoạn sông này. Đã có rất nhiều mối quan tâm từ cộng đồng hạ lưu sông Mekong về sự ảnh hưởng của các con đập này tới cuộc sống và sinh kế của họ. Washington Times hồi tháng 1 có bài viết đánh giá rằng chuỗi các đập của Trung Quốc sẽ gây ra thay đổi về mực nước và tác động tới hạ lưu, nơi hàng chục triệu dân các nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan sống phụ thuộc vào dòng sông này.
Chuyên gia về Đông Nam Á Milton Osborne tại Viện Lowy, tổ chức tư vấn chính sách quốc tế ở Australia, cho rằng chỉ 13,5% lượng nước sông Mekong chảy qua Trung Quốc, song thực tế nguồn nước sông Mekong chảy qua Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì dòng chảy vào mùa khô cho các nước ở hạ lưu, và có thể chiếm tới 40% tổng lưu lượng của cả dòng sông.Vị chuyên gia này cảnh báo rằng mỗi con đập mà Trung Quốc xây dựng đều tạo ra nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy lớn hơn, “đặc biệt là khi cả đập Tiểu Loan và Nọa Trác Độ đều có vai trò là những đập trữ nước, hạn chế dòng chảy của sông”. Ngoài ra, ông Osborne nhấn mạnh việc Trung Quốc đồng thời đưa tới 6 con đập vào hoạt động "sẽ gây tác động lâu dài tới vùng hạ lưu", trong đó có việc ngăn chặn dòng nước chứa phù sa nhiều dưỡng chất chảy xuôi dòng sông Mekong.
Trước đó, Tổ chức Sông ngòi quốc tế đã công bố nghiên cứu tóm tắt dựa trên cơ sở lý luận và dữ liệu giám sát để làm rõ những tác động về thủy văn, thủy sản và trầm tích gây ra cho khu vực hạ lưu do chuỗi đập của Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong.
Do sông Lan Thương đóng góp 45% lượng nước cho sông Mekong vào mùa khô, nên sẽ tác động lớn tới thay đổi dòng chảy ở hạ lưu. Lưu lượng dòng chảy ở Chiang Saen, Thái Lan, có thể tăng tới hơn 100% vào mùa khô. Sự gia tăng mực nước trong mùa khô sẽ làm giảm đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp theo mùa. Hàng triệu nhà nông sinh sống ven sông Mekong và sinh kế của họ sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng nếu mất đất trồng trọt. Vào mùa mưa, do chuỗi đập thủy điện ở Lan Thương trữ nước, lưu lượng nước tại Chiang Saen lại giảm khoảng 30%. Điều này sẽ thu nhỏ diện tích vùng đồng bằng ngập nước và giảm nguồn phù sa màu mỡ lắng xuống.
Các đập Trung Quốc xây dựng ở Mekong cũng làm thay đổi nhiệt độ nước. Sau khi đập Đại Chiếu Sơn đi vào hoạt động, nhiệt độ nước trung bình hàng ngày ở Chiang Saen đã giảm và phạm vi nhiệt độ nước dao động hàng năm cũng tăng lên. Một khi các đập ở trung lưu sông Lan Thương hoàn thành và bắt đầu hoạt động, những ảnh hưởng về nhiệt độ chắc chắn sẽ tích tụ và ảnh hưởng ở phạm vi tối thiểu hàng trăm km xuống hạ lưu. Sự giảm nhiệt độ của nước và gia tăng đột biến nhiệt độ nước sẽ thay đổi hành vi các loài cá, ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản và di cư của chúng. Các đập thủy điện không chỉ thay đổi dòng chảy và nhiệt độ của sông Mekong, mà còn chặn các con đường di cư của cá, vốn quan trọng trong sinh sản. Tuy mức độ di cư của cá từ hạ lưu tới thượng lưu sông Mekong không rõ ràng, loài cá da trơn lớn ở Mekong có nguy cơ tuyệt chủng được phát hiện tìm thức ăn và đẻ trứng ở sông Buyuan, một nhánh của sông Mekong giữa đập Cảnh Hồng và đập Mãnh Tòng. Các giống cá khác như cá chép, cá lăng nha cũng có thể di cư từ hạ lưu lên thượng lưu sông Mekong.
|
Đập ngăn mặn xâm nhập vào vùng sản xuất xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, Việt Nam. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Một số báo cáo khoa học đã phát hiện rằng một nửa trầm tích ở hạ lưu sông Mekong bắt nguồn từ lưu vực sông Lan Thương. Từ các phương pháp đo lường cũng như phân tích khác nhau giữa tỉnh Vân Nam và các quốc gia hạ lưu sông Mekong, lượng trầm tích mà đập Mã Loan trữ lại ước tính chiếm 53-94%. Một số nhà nghiên cứu cho biết ảnh hưởng trầm tích từ đập Mãn Loan mở rộng tới tận Viêng Chăn, Lào.
Với hai con đập lớn nhất trong hệ thống, đập Tiểu Loan và Nọa Trát Độ, đi vào hoạt động năm 2010 và 2012, và chuỗi đập Trung Quốc xây dựng ở trung lưu sông Lan Thương hoàn thành trong những năm tới, những ảnh hưởng đối với khu vực hạ lưu còn nhiều hơn nữa. Những thay đổi về thủy văn, thủy sản và trầm tích mà các đập trên sông Mekong của Trung Quốc gây ra tác động tới hàng triệu người dân sinh sống ở hạ lưu phụ thuộc trực tiếp vào nguồn lương thực và sinh kế, đe dọa ảnh hưởng nặng nề tới an ninh lương thực.
Video về vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 ở Gia Lai năm 2014 (Nguồn VTC14):