Tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 4/7 tuyên bố: "Nhật Bản là một đối tác cho sự phát triển của Tiểu vùng sông Mekong, một khu vực có tiềm năng trong tương lai”.
|
Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong 2015.
|
Chiến lược mới của Tokyo về Hợp tác Mekong-Nhật Bản 2015 sẽ thay thế kế hoạch viện trợ 600 tỷ yên (4,9 tỷ USD) được thông báo trong năm 2012.
Chiến lược này đề ra "bốn trụ cột" để làm sâu sắc thêm sự hợp tác của Nhật Bản với năm quốc gia ở hạ lưu sông Mekong. Đó là phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực công nghiệp, phát triển bền vững và phối hợp chính sách với các bên liên quan khác nhau.
Hiện chưa rõ liệu khoản viện trợ 6,1 tỷ USD trong vòng ba năm cho các nước Tiểu vùng sông Mekong có chồng chéo lên gói viện trợ 110 tỷ USD mà Thủ tướng Shinzo Abe công bố hồi tháng 5/2015 để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng Châu Á.
Kế hoạch viện trợ 6,1 tỷ USD này dự kiến sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực hạ lưu sông Mekong và mang lại cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhiều cơ hội làm ăn hơn. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng đây là một nỗ lực của Nhật Bản để làm đối trọng với Trung Quốc, nước có quan hệ khá phức tạp với năm nước Tiểu vùng sông Mekong.
Căng thẳng đã leo thang trong khu vực do hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã và đang tiến hành các hoạt động đắp đảo, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các “đảo nhân tạo”.
Không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, Nhật Bản khẳng định rằng vấn đề Biển Đông đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong cuối tuần qua.
Thông cáo chính thức sau Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong có đoạn viết: "Hai bên quan tâm đến diễn biến gần đây ở Biển Đông… sẽ làm phức tạp thêm tình hình, làm xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định. Hai bên khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, thương mại và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế".
Ngoài kế hoạch viện trợ cho Tiểu vùng sông Mekong, mới đây Tokyo cũng đã cam kết cho Myanmar vay 100 tỷ yên (8,2 tỷ USD) với lãi suất thấp để giúp phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm một mạng lưới truyền tải điện quốc gia và nâng cấp Hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối Myanmar với Thái Lan, Lào và Việt Nam bằng đường bộ. Một phần của số tiền này sẽ được sử dụng để nâng cấp các tuyến đường sắt nội thành Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Quan hệ Myanmar-Trung Quốc đã trở nên căng thẳng do giao tranh giữa chính phủ Myanmar và quân nổi dậy ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc. Giao tranh đôi lúc cũng tràn qua biên giới, gây ra một số thiệt hại về người và của trên lãnh thổ Trung Quốc.
Việc Nhật Bản viện trợ cho các nước Hạ lưu sông Mekong chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản vốn đã căng thẳng do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Đối với Trung Quốc, năm nước Hạ lưu sông Mekong nằm trong chiến lược “Vành đai, con đường” đầy tham vọng. Năm quốc gia Hạ lưu sông Mekong cũng là thành viên của Ngân hàng Đầu tư cở sở hạ tầng Châu Á do Trung Quốc cầm đầu và Nhật Bản, Mỹ đã từ chối tham gia.