Phát hiện này cho thấy virus corona có thể bay lơ lửng trong không khí, đi qua các đường ống thoát nước để vào nhà vệ sinh. Theo các chuyên gia, cách thức lây nhiễm này từng khiến dịch SARS bùng phát tại Hong Kong vào năm 2003.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 có trên bồn rửa, vòi nước và vòi hoa sen của một căn hộ tại thành phố Quảng Châu hồi tháng 2, theo nghiên cứu mới công bố trong tháng này trên Environment International. Căn hộ này đã bị bỏ trống lâu năm và nằm ngay phía trên căn hộ của 5 bệnh nhân Covid-19.
|
Nhân viên y tế làm việc trong một nhà vệ sinh ở Toronto, Canada. Ảnh: Bloomberg. |
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện “một thí nghiệm mô phỏng dấu vết” nhằm tìm hiểu xem virus corona có di chuyển thông qua đường ống chất thải và việc xả bồn cầu hay không. Sau thí nghiệm, họ tìm thấy nhiều giọt bắn nhiễm virus trong các nhà vệ sinh tầng 10 và tầng 12, nằm ngay trên căn hộ của các bệnh nhân Covid-19.
Phát hiện này khá giống những gì đã xảy ra tại khu chung cư Amoy Gardens ở Hong Kong vào năm 2003. Khi ấy, đường ống nước thải của khu nhà bị hỏng, lây lan virus SARS cho 329 cư dân. “Ổ dịch” này ghi nhận 42 ca tử vong, trở thành nơi bùng phát SARS nghiêm trọng nhất.
Nhà khoa học Song Tang từ CDC Trung Quốc nhận định: “Bản chất hai vụ việc có nhiều điểm tương đồng dù chúng tôi chưa tính đến sự lây nhiễm qua thang máy dùng chung”.
Lidia Morawska, giám đốc phòng thí nghiệm tại Đại học Công nghệ Queensland (Australia), cho biết: “Các khu chung cư thường có hệ thống đường ống chung. Khi chất thải ở dạng lỏng và rắn đi qua đường ống, mùi chất thải sẽ bốc lên, nhất là khi đường ống thiếu nước. Do đó, không khí, bao gồm virus corona, có thể lưu thông giữa các căn hộ”.
Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cho rằng virus corona thường lây lan qua đường hô hấp, như nước bọt hay dịch tiết từ mũi họng. Tính đến ngày 27/8, thế giới ghi nhận 24,3 triệu ca bệnh và 830.131 ca tử vong vì Covid-19, theo số liệu từ Worldometers.