Gần 11h30 ngày chủ nhật, hàng nghìn người tập hợp tại sân vận động quốc gia Zimbabwe trong tang lễ của vị cựu tổng thống. Linh cữu của cố Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, người từng lãnh đạo đất nước gần 4 thập kỷ và để lại di sản chính trị gây vô số tranh cãi, được đưa qua thảm cỏ xanh đến sân khấu.
Cựu lãnh đạo Zimbabwe qua đời vào tuần trước ở tuổi 95, tại một bệnh viện ở Singapore. Ông bị lật đổ vào tháng 11/2017 trong một cuộc đảo chính quân sự không có đổ máu. Tuy nhiên, trên những khán đài ngày 15/9, những người đến dự buổi lễ vẫn dành một bầu không khí trang nghiêm cho ông Mugabe, người từng lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích lật đổ chế độ cầm quyền của thiểu số da trắng và giải phóng đất nước.
|
Người ủng hộ diễu hành mang theo ảnh của ông Mugabe. Ảnh: Sky News. |
Di sản đầy tranh cãi
"Tôi đến đây để bày tỏ sự kính trọng dành cho cựu tổng thống của chúng tôi. Ông ấy là một biểu tượng của đất nước, đã làm được rất nhiều điều cho người dân. Ông ấy khuyến khích phụ nữ lao động và học hành", Joyce Mutyakurera, một nhân viên chính phủ 30 tuổi, chia sẻ.
Tình cảm đó cũng được thể hiện trong những bài diễn văn kéo dài nhiều giờ tại sân vận động. Những người đến dự buổi lễ không chỉ tưởng nhớ về cuộc đời của ông Mugabe, người đấu tranh cho tự do chống lại chế độ thuộc địa và phân biệt chủng tộc, mà còn dành cho tầm nhìn của ông về châu Phi tự do và cuộc tranh đấu với phương Tây.
"Ông ấy đã giải phóng đất nước và bảo vệ chúng tôi khỏi những cường quốc hăm he chiếm đoạt đất đai, tài nguyên và biến đất nước này trở thành thuộc địa một lần nữa", Jackson Njambo, 35 tuổi, chia sẻ anh đã lặn lội từ vùng quê nghèo ngoại ô thủ đô Harare để đến dự tang lễ.
Những năm đầu lãnh đạo Zimbabwe của ông Mugabe đã mang đến niềm hy vọng cho cộng đồng quốc tế với hàng loạt chính sách cấp tiến. Tuy nhiên, hình ảnh của ông trong nhiều thập kỷ sau đó lại được nhớ đến với những chính sách kinh tế sai lầm và đàn áp bạo lực nhắm vào đối thủ chính trị.
Theodore Obiang, nhà lãnh đạo 77 tuổi của Guinea Xích đạo, là chính khách đầu tiên đọc diễn văn tại tang lễ cựu tổng thống Zimbabwe. Ông nói Robert Mugabe đã được điền trên vào danh sách "những lãnh đạo của công cuộc giải phóng châu Phi", bên cạnh cựu tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi.
Obiang nói buổi tang lễ dành cho Robert Mugabe thể hiện "tinh thần dân chủ lâu dài trong các chính sách của Tổng thống Emmerson Mnangagwa".
Chính phủ mới, Zimbabwe vẫn như cũ
Điều mà Tổng thống Theodore Obiang đề cập dường như cũng chính là mục tiêu lớn nhất mà buổi lễ nhắm đến.
Đối với Tổng thống Mnangagwa và nội các được xây dựng sau cuộc đảo chính năm 2017, sự ra đi của người tiền nhiệm là một cơ hội để họ trở thành những người kế nhiệm "cha già dân tộc" một cách chính danh.
Lễ tang cấp nhà nước với đủ những nghi thức trang nghiêm làm lu mờ thực tế rằng ông Mugabe từng không muốn từ bỏ quyền lực cho đến khi bị quân đội giam lỏng và đảng Zanu-PF cầm quyền phế truất khỏi ghế chủ tịch.
|
Ghế trống đầy sân vận động trong tang lễ cựu tổng thống Zimbabwe. Ảnh: AP. |
Ngay cả khi đã trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện cách Zimbabwe nửa vòng Trái Đất, nhà cựu lãnh đạo vẫn gây ra nhiều chia rẽ bên trong chính phủ của Tổng thống Mnangagwa.
Trong bài phát biểu ngày 14/9, Walter Chidakwa, một đại diện của gia đình ông Mugabe, vẫn ngầm công kích Tổng thống Mnangagwa và cuộc đảo chính năm 2017.
"Trong những tháng ngày cuối đời, cha của chúng tôi tràn ngập những đau buồn. Ông trở thành một con người với nhiều phiền muộn. Ông âm thầm nhớ lại cuộc hành trình mà mình đã đi qua. Đó là một hành trình vĩ đại, gian khó và xuất sắc", Chidakwa chia sẻ.
Tuy nhiên, di sản từ cuộc hành trình của ông Mugabe cũng là một Zimbabwe đầy những chia rẽ. Đất nước từng được mệnh danh là "vựa bánh mì" của miền Nam châu Phi giờ đây chìm trong lạm phát, những khoản nợ khổng lồ và cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Nền kinh tế Zimbabwe vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, trong khi hàng triệu dân đang bị nạn đói đe dọa.
Khi đến lượt mình phát biểu, Tổng thống Mnangagwa chia sẻ tầm nhìn của riêng ông về một đất nước Zimbabwe "được giải phóng khỏi vấn nạn cấm vận". Một di sản khác được để lại từ giai đoạn cầm quyền của cựu tổng thống Mugabe là chính sách dùng vũ lực để dập tắt các lực lượng chống đối.
Giới quan sát nhận định Zimbabwe dường như vẫn không có nhiều thay đổi dù Robert Mugabe không còn nữa, đặc biệt khi người kế nhiệm ông lại là một trong những nhân vật thân cận nhất suốt sự nghiệp cầm quyền.
"Nhìn ở một góc độ khác, bản thân ông Mugabe cũng có thể đưa ra bài phát biểu đó", Blessing-Miles Tendi, một chuyên gia về Zimbabwe tại Đại học Oxford, đánh giá diễn văn của ông Mnangagwa tại tang lễ ngày 15/9.
"Bài phát biểu mang theo rất nhiều sắc thái quen thuộc: chủ quyền, cấm vận và không thừa nhận bản thân chính phủ đã thất bại. Người đàn ông đó không còn nữa, nhưng những ý tưởng và phương pháp lãnh đạo của ông ấy vẫn còn", Tendi nhận định.
Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe từ chức (Nguồn: NC)