Tờ The Guardian dẫn thông tin từ một quan chức y tế địa phương ở Ethiopia cho biết ít nhất 64 người đã thiệt mạng và 180 người bị thương khi xảy ra một cuộc không kích nhắm vào khu chợ ở thị trấn Togoga, vùng Tigray hôm 22/6.
“Cuộc không kích nhắm trúng một khu chợ, rất nhiều người đã bị thương” - ônh Mulu Atsbaha, cố vấn chính quyền Tigray về vấn đề sức khỏe phụ nữ và trẻ em cho hay.
Ông Mulu cuộc không kích hôm 22/6 đã khiến khoảng 180 người bị thương và số lượng thương vong sau vụ tấn công "đã được xác nhận với các nhà lãnh đạo địa phương".
Một người dân bị thương sau cuộc không kích ở thị trấn Togoga, vùng Tigray, Ethiopia. Ảnh: AFP
Hai ngày sau đó, phát ngôn viên quân đội Ethiopia xác nhận cuộc tấn công vào Togoga là do lực lượng quân đội tiến hành, song khẳng định mục tiêu của họ là các tay súng nổi dậy chứ không phải người dân thường.
“Chúng tôi phản đối những cáo buộc cho rằng cuộc không kích này nhắm vào dân thường” - đại diện quân đội Ethiopia nhấn mạnh, thêm rằng những người bị thương và thiệt mạng là các tay súng nổi dậy “cải trang thành dân thường”.
Trong khi đó, những người sống sót và nhân viên y tế cho biết cuộc không kích đã nhắm vào một khu chợ sầm uất, diễn ra vào lúc cao điểm của hoạt động buôn bán.
Những người phụ nữ ngồi an ủi nhau sau khi quân đội Ethiopia tiến hành cuộc không kích nhắm vào một khu chợ đông đúc ở thị trấn Togoga, vùng Tigray, Ethiopia. Ảnh: THE GUARDIAN
Trong số thương vong có cả trẻ em. Liên Hợp Quốc (LHQ) sau đó đã kêu gọi một cuộc điều tra khẩn cấp về vụ việc này, theo The Guardian.
Cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh công tác kiểm phiếu đang diễn ra sau cuộc bầu cử quốc gia ở Ethiopia hôm 21-6. Tuy nhiên, là khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề trước nhiều cuộc giao tranh bùng nổ trong nhiều tháng nay, không có cuộc bỏ phiếu nào được tổ chức ở Tigray.
Nhân viên y tế đang chăm sóc cho một người đàn ông bị thương sau cuộc không kích ở thị trấn Togoga, vùng Tigray, Ethiopia. Ảnh: AFP
Trước đó, vào tháng 11/2020, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã gửi quân đội đến Tigray để kiểm soát tình hình và hứa hẹn một chiến thắng nhanh chóng.
Tuy nhiên, gần 8 tháng sau, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Tigray với việc LHQ cảnh báo 350.000 người dân sống ở vùng này đang đứng trước bờ vực của nạn đói.