Nhật Bản tố cáo Trung Quốc “thay đổi nguyên trạng” Biển Đông sau khi Mỹ hối thúc Bắc Kinh chớ nên quân sự hoá vùng biển này.
|
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga: Nhật Bản rất quan tâm đến các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông |
Tuyên bố ngày 18/6 của Tokyo được đưa ra trong bối cảnh có thêm chi tiết về các cuộc diễn tập quân sự chung Nhật Bản-Philippines. Đây là hai nước trong khu vực có quyết tâm nhất trong việc chống trả những hành động gây hấn của Trung Quốc.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói với các nhà báo rằng Nhật Bản rất quan tâm đến các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông, những hành động chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Ông Suga nói: “Sau khi (Trung Quốc) kết thúc các hoạt động (trái phép) bồi đắp đất xây đảo, chúng ta tuyệt đối không nên chấp nhận các hoạt động đó như một sự đã rồi. Chúng tôi đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng một cách có thể trông thấy được và vĩnh viễn”.
Từ lâu, Nhật Bản đã chỉ trích những âm mưu dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng một cách đơn phương, giữa lúc chính Tokyo cũng đang tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền Biển Hoa Đông.
Trong khi đó, theo WSJ, Philippines ngày 18/6 tố cáo rằng đường băng dài 3 km trên đảo Đá Chữ Thập, đủ để máy bay chở khách khổng lồ Boeing 747 có thể cất hạ cánh, đã hoàn tất 75%.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez nói rằng hạ tầng cơ sở trên Đá Chữ Thập có thể được sử dụng như một căn cứ hành quân, một trạm tiếp liệu cho tàu bè và máy bay. Ông nói cơ sở này cũng cho phép Trung Quốc tiếp cận một cách dễ dàng những vùng biển trải dài từ Biển Đông cho tới Australia và các khu vực khác ở Nam Thái Bình Dương. Ông Galvez nói Bắc Kinh có thể sử dụng Đá Chữ Thập làm Bộ Chỉ huy tiền phương của Quân đội Trung Quốc.
Một số nhà phân tích quân sự Mỹ cho rằng việc Trung Quốc quân sự hoá Đá Chữ Thập là nhằm mục đích thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực vào thời điểm sớm nhất và kế hoạch đó, nếu được tiến hành, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự Mỹ-Trung.
Các chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh loan báo Trung Quốc sắp chấm dứt việc bồi đắp “đảo nhân tạo” ở Biển Đông nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ, trước chuyến thăm Washington lần đầu tiên của Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào tháng 9 năm nay.
Giáo sư Shi Yinhong giảng dạy môn Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân, và là cố vấn của chính quyền Trung Quốc, nhận định rằng Bắc Kinh đang tìm cách làm giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông trước chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong chuyến đi này, chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ bị chất vấn về tham vọng bành trướng ở Biển Đông, vấn đề đánh cắp tài liệu mật trên mạng và vấn đề thương mại.