Theo hãng tin PTI, trong cuộc họp đầu tiên cấp ngoại trưởng giữa ba nước diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng hai vị đồng nhiệm Sushma Swaraj (Ấn Độ) và Fumio Kishida (Nhật Bản) nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, tự do lưu thông thương mại, tuân thủ luật quốc tế và giải quyết tranh chấp lãnh hải một cách ôn hòa.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) cùng Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) nhấn mạnh tự do hàng hải ở Biển Đông.
|
New Dehli, Washington và Tokyo cũng lập một nhóm chuyên gia về kết nối khu vực để tập trung vào các nỗ lực phối hợp giúp duy trì an ninh hàng hải trong vùng.
Dù không vướng vào tranh chấp chủ quyền tại khu vực, nhưng cả Ấn Độ lẫn Mỹ đều tuyên bố việc bảo vệ quyền tự do hàng hải Biển Đông là lợi ích quốc gia.
Cùng với chính sách “xoay trục về Châu Á” của Mỹ, Ấn Độ đã chuyển từ “Kế hoạch hướng Đông” sang “Hành động hướng Đông” nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia và ứng phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Ấn Độ cũng nhiều lần phớt lờ các cảnh cáo của Trung Quốc về hợp đồng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông.
Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông, đang cùng với Mỹ có những kế hoạch cung cấp thiết bị quân sự cho Philippines, quốc gia Đông Nam Á mạnh mẽ phản đối bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thôn tính Biển Đông.