Máy bay Malaysia mất tích giúp Mỹ đo đếm vệ tinh TQ

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ muốn Trung Quốc bộc lộ khả năng vệ tinh của nước này khi cung cấp ảnh vệ tinh chụp khu vực máy bay Boeing 777 mất tích.

Tổng biên tập tạp chí Defense International phiên bản tiếng Trung Quốc Erich Shih nhận định, Mỹ có nhiều vệ tinh hơn, vượt trội Trung Quốc nhưng lại không tham gia vào việc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airline mang theo với 239 người (trong đó có cả công dân Mỹ) đang mất tích kể từ ngày 8/3.
Ông Erich Shih nhận định, Mỹ rút lui trong vụ này vì muốn để Trung Quốc bộc lộ khả năng vệ tinh của họ bằng cách cung cấp thông tin về chiếc máy bay mất tích.
Mô hình của một trong các vệ tinh thuộc Hệ thống Vệ tinh Dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Vệ tinh Trung Quốc Gaofen-1 ngày 9/3 đã chụp được 3 vật thể nổi trong khu vực máy bay Malaysia có thể đã gặp nạn nhưng đã không tiết lộ thông tin trên. Cục Hàng không Dân dụng Malaysia cho biết Trung Quốc qua các kênh liên lạc ngoại chính thức cho biết, họ không thu được bất cứ thông tin hoặc dấu vết gì về chiếc máy bay mất tích. Thậm chí, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia, Hishammuddin Hussein cũng từng nhấn mạnh, Trung Quốc tuyên bố với họ rằng, các vệ tinh của nước này không phát hiện bất cứ mảnh vỡ hay vết tích nào của máy bay Boeing 777.
Mãi 3 ngày sau đó (tức ngày 12/3), có lẽ sau khi cân nhắc một cách thận trọng và kỹ càng, Trung Quốc mới cho công bố các bức ảnh chụp vật thể nổi nghi là của máy bay Malaysia mất tích. Những bức ảnh vệ tinh của Trung Quốc được đánh giá là có độ phân giải cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, đây vẫn chưa phải là ảnh gốc và những bức ảnh gốc thậm chí còn có độ phân giải tuyệt vời hơn. Trung Quốc không cung cấp ảnh gốc để che dậy khả năng thực sự của hệ thống vệ tinh của họ.
Theo đó, ông Shih nhấn mạnh, Mỹ chọn cách đứng ngoài sự kiện lần này để xem vệ tinh Trung Quốc mất bao lâu để tìm ra vị trí một đối tượng. Tên lửa đạn đạo chống tàu mới của Trung Quốc chẳng hạn, Đông Phong 21D hiện được xem là mối đe dọa tiềm năng của tàu sân bay Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Do đó, Mỹ luôn khao khát về một cơ hội cho phép họ tính toán xem liệu tàu sân bay của họ có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị đáp trả “sát thủ” diệt tàu sân bay Trung Quốc trong trường hợp nước này phóng tên lửa.
Trước đó, tờ Daily Telegraph dẫn lời một số chuyên gia cho biết, có khả năng các hệ thống radar quân sự của một số quốc gia đã dò được vị trí hoặc dấu vết của chiếc máy bay mất tích song sẽ không có một nước nào chủ động tiết lộ bất cứ điều gì có thể phản ánh khả năng giám sát trên không của họ. Tất cả những thông tin như vậy đều vô cùng nhạy cảm và luôn được bảo mật.
Bạch Dương (theo WCT)

Bình luận(0)