|
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
|
Năm nước ứng cử viên vào HĐBA LHQ nói trên không có đối thủ cạnh tranh và đây là lần đầu tiên trong vòng nhiều năm qua.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của 193 thành viên Đại hội đồng LHQ, Lithuania nhận được 187 phiếu ủng hộ. Kế tiếp là Nigeria, Chile (186 phiếu), Chad (184 phiếu) và Saudi Arabia với 176 phiếu bầu. Các nước nói trên chỉ cần giành được đa số phiếu 2/3 là trở thành thành viên HĐBA LHQ.
HĐBA LHQ gồm 15 nước thành viên, trong đó bao gồm 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng 10 thành viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm .
Năm nước thành viên mới của HĐBA LHQ sẽ nhận nhiệm vụ vào ngày 1/1/2014 và giữ ghế đến hết năm 2015. Các nước nói trên sẽ thay thế Azerbaijan, Guatemala, Morocco, Pakistan và Togo.
Ngoại trưởng Moussa Faki của Cộng hòa Chad nói với các phóng viên rằng cuộc bầu cử Đại hội đồng LHQ chính là một sự “công nhận vai trò của Cộng hòa Chad trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh ở Châu Phi”.
Đại sứ Saudi Arabia tại Liên Hợp Quốc, ông Abdallah Al-Mouallimi, cho biết việc nước ông được bầu vào HĐBA LHQ “phản ánh chính sách lâu dài của nước ông trong việc hỗ trợ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”. Ông Al-Mouallimi bày tỏ hy vọng sẽ làm việc với các thành viên HĐBA LHQ khác để có thể thiết lập một nhà nước Palestine độc lập, điều mà ông gọi là “vấn đề cốt lõi ở Trung Đông”. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng nhân dân Syria sẽ đạt được “khát vọng tự do, thịnh vượng và đoàn kết”.
Bộ trưởng Ngoại giao Viola Onwuliri của Nigeria cho biết nước bà sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, hòa giải, kiểm soát vũ khí và chống khủng bố.
Bà Onwuliri cho biết Nigeria sẽ bảo vệ Châu Phi và "các vấn đề Châu Phi phần lớn là các vấn đề mà HĐBA LHQ phải đối mặt hiện nay”.
Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius, hiện đang giữ chức chủ tịch Liên minh Châu Âu, nói nước ông sẽ tập trung vào “các giá trị nhân đạo” và bảo vệ phụ nữ trẻ em trong các cuộc xung đột.