Căng thẳng bất ngờ leo thang dữ dội những ngày qua giữa Israel và Phong trào vũ trang Hồi giáo Hezbollah của Lebanon, với những màn phóng tên lửa và pháo kích trả đũa lẫn nhau không khoan nhượng. Trung Đông, vốn đang phải chứng kiến quá nhiều cuộc khủng hoảng lại đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc chiến tranh như từng xảy ra năm 2006.
Biên giới giữa Israel và Lebanon trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Hezbollah hồi cuối tuần qua phóng tên lửa chống tăng vào căn cứ quân sự Avivim của Israel. Đáp trả, quân đội Israel cũng pháo kích các cứ điểm của lực lượng Hồi giáo vũ trang này ở miền Nam Lebanon, đồng thời kêu gọi người dân nhanh chóng tìm chỗ tránh bom. Trong khi Hezbollah tuyên bố “không còn giới hạn đỏ” trong cuộc đối đầu với Israel, thì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cảnh báo đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống tại biên giới với Lebanon.
|
Khói bốc lên sau các đợt pháo kích qua lại gần biên giới Lebanon. Ảnh: AP. |
“Chúng ta đã bị tấn công bởi một số tên lửa chống tăng. Chúng tôi đã đáp trả bằng 100 quả đạn pháo, hỏa lực trên không và nhiều biện pháp khác nhau. Chúng tôi đang tiến hành tham vấn về những bước đi tiếp theo. Tôi đã ra chỉ thị cho quân đội sẵn sàng cho mọi kịch bản và chúng tôi sẽ quyết định tương lai phù hợp với diễn biến tình hình”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói.
Liệu nguy cơ một cuộc chiến tranh như từng xảy ra năm 2006, cướp đi sinh mạng của hơn 1 nghìn người giữa Israel và Lebanon có tái diễn? là câu hỏi khiến các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại những ngày qua. Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại biên giới Lebanon đã kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, trong khi Mỹ và Pháp cũng được yêu cầu “vào cuộc” để hạ nhiệt căng thẳng.
Tuy nhiên, giới phân tích đã tạm thời loại bỏ nguy cơ này khi cho rằng, những căng thẳng hiện nay sẽ không bị đẩy đi quá xa, trong bối cảnh Israel chuẩn bị bước vào bầu cử và bởi cả 2 bên đều ý thức được những hậu quả khôn lường của một cuộc chiến như thế. Trên thực tế, Thủ tướng Israel Netanyahu đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng ở trong nước, cho rằng nhà lãnh đạo này tìm cách đáng lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi những bê bối cá nhân khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Quốc hội.
Cuối tuần qua, một nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường Israel, cựu Bộ trưởng Tài chính Yair Lapid đã chỉ trích trực diện Thủ tướng vì các mục tiêu bầu cử mà làm trệch hướng chính sách lâu nay của nước này, là rất hiếm khi công khai về chiến dịch quân sự ở các nước láng giềng.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến, dù chia sẻ nhận định sẽ không có nguy cơ tái diễn chiến tranh giữa Israel và Phong trào Hezbollah, song lại bác bỏ mối liên quan giữa những diễn biến căng thẳng hiện nay với bất kỳ tính toán chính trị nào. Bởi một cuộc chiến tranh nếu nổ ra, cũng đồng nghĩa với việc bầu cử sẽ bị trì hoãn và sẽ có ngày càng nhiều người dân Israel cáo buộc Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa cuộc đối đầu giữa Israel với Iran và các đồng minh không phải là mới.
Chính vì thế, bất chấp những căng thẳng gia tăng thời gian qua, chắc chắn cả Israel và phong trào Hezbollah đều không muốn sa chân vào một cuộc chiến tranh quy mô, mà sẽ chỉ dừng lại ở những màn đáp trả có giới hạn và tính toán. Sẽ không có một cuộc xung đột lớn nào dưới thời Thủ tướng Netanyahu, cầm quyền tại Israel trong hơn 13 năm qua (từ 1996-1999 và liên tục từ năm 2009).
Mời độc giả xem thêm video: Các nước lên án Israel không kích Syria (Nguồn: VTC14)