Iraq chìm sâu vào khủng hoảng chính trị: sắp có đảo chính?

Google News

(Kiến Thức) - Quân đội, lực lượng an ninh Iraq tiến vào thủ đô Baghdad hôm 10/8, giữa lúc có khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Iraq.

Trong khi Quân đội Iraq phải đương đầu với các chiến binh dòng Sunni ở phía bắc và phía Tây đất nước với sự giúp đỡ của Không quân Mỹ, cuộc khủng hoảng chính trị trở nên sâu sắc hơn vào hôm 10/8 vì Thủ tướng Nouri al-Maliki từ chối việc từ chức và cáo buộc Tổng thống Fouad Massoum đang vi phạm Hiến pháp của Iraq.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình tối 10/8, ông al-Maliki nói rằng ông sẽ nộp đơn khiếu nại pháp lý chống lại Tổng thống Fouad Massoum.
Tờ Wall Street Journal cũng dẫn nguồn tin cho biết các lực lượng an ninh đã được triển khai một cách bất thường với số lượng lớn trên khắp Baghdad. Các binh sĩ bao vây Vùng Xanh, trong đó bao gồm tòa nhà quốc hội, văn phòng chính phủ quan trọng và nhiều đại sứ quán.
Ông Al-Maliki tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba làm thủ tướng, nhưng cuộc khủng hoảng mới nhất đã khiến ngay cả đồng minh thân cận nhất cũng yêu cầu ông từ chức. Một phiên họp quốc hội dự kiến diễn ra vào 10/8 để thảo luận về cuộc bầu cử và ai sẽ tiếp tục lãnh đạo chính phủ Iraq đã bị hoãn đến 19/8.
Tờ Wall Street Journal cho biết ông al-Maliki đã được kêu gọi để tự mình rút khỏi việc tranh cử làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 3 để một ứng viên khác thay thế từ khối Liên minh Quốc gia của ông. Quan chức Mỹ cho biết rằng sự đồng thuận đã được xây dựng xung quanh một ứng cử viên được giấu tên, người mà Washington tin rằng sẽ là một ván cược tốt hơn để đoàn kết lại chính phủ đang tan rã ở Iraq. Tuy nhiên, ông al-Maliki vẫn chưa chịu nhường vị trí thủ tướng của mình.
Ông Massoum đã cho khối Liên minh Quốc gia hạn chót là 3 giờ chiều 10/8 (giờ địa phương) để lựa chọn một ứng cử viên cho chức Thủ tướng, 2 chính trị gia người Iraq cho biết.
Người Iraq biểu tình ở Baghdad ủng hộ Thủ tướng Nouri al-Maliki. 
Ông Al-Maliki phát biểu trên truyền hình Iraq cho biết tình hình an ninh sẽ mọi thứ trầm trọng thêm như là kết quả của các hành động của ông Massoum.
“Thái độ này đại diện cho một cuộc đảo chính nhằm vào Hiến Pháp và tiến trình chính chị trong một quốc gia và được quản lý bởi một hệ thống dân chủ và liên bang. Các vi phạm liên quan đến Hiến Pháp bởi Tổng thống sẽ có hậu quả nghiêm trọng trên sự thống nhất, chủ quyền và sự độc lập của Iraq”, ông al-Maliki cho biết.
Các cuộc đấu đá chính trị có thể cản trở những nổ lực để ngăn chặn phiến quân ISIL, những người đã chiếm giữ một vùng rộng lớn ở phía Bắc và phía Tây Iraq trong những tuần gần đây.
Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã cảnh báo những người Mỹ hôm 9/8 rằng một chiến dịch mới để mang lại an ninh ở Iraq yêu cầu sự thay đổi quân sự và chính trị, và “sẽ là một dự án dài hạn.” Tổng thống Barrack Obama nói rằng lực lượng quân đội Iraq cần phải cải thiện để có hiệu quả trong mỗi cuộc tấn công, đòi hỏi một chính phủ ở Baghdad mà quân đội và người dân có thể đặt niềm tin vào. Ông Obama nói rằng Iraq cần một Thủ tướng.
Những chỉ trích nói rằng nhà lãnh đạo người Shiite đã đóng góp cho cuộc khủng hoảng bằng sự độc đoán trong quyền lực và theo đuổi một chương trình nghị sự giáo phái mà xa lánh thiểu số người Sunni và Kurd của đất nước.
Chỉ vài giờ sau bài phát biểu của al-Maliki, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vào hôm 10/8 “họ sẽ hỗ trợ đầy đủ” Tổng thống mới của Iraq.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Mỹ, Jen Psaki cho biết rằng Mỹ sẽ hỗ trợ tiến trình lựa chọn Thủ tướng “bằng cách xây dựng một sự đồng thuận quốc gia và quản lý một cách toàn diện.” Bà cho biết Mỹ bác bỏ bất kỳ nổ lực nào để gây sức ép hoặc ép buộc trong quá trình lựa chọn một nhà lãnh đạo mới ở Iraq.
Nguyễn Trung

Bình luận(0)