Ông Vitaly Zakharchenko cũng nhấn mạnh, cuộc điều tra công bằng dưới sự dẫn dắt của chính quyền thiên vị về những sự kiện bi thảm ở Kiev sẽ không thể xảy ra.
“Tôi chắc chắn 100% rằng, cảnh sát đặc nhiệm Berkut không ra tay nổ súng vào những người tham gia biểu tình tại khu vực Maidan hồi tháng 2. Trong khi làm nhiệm vụ, lực lượng Berkut thường không sử dụng vũ khí. Vào ngày 18 và 19/2, 86 cảnh sát đã bị bắn trọng thương. Trong số đó, 14 người đã bị thiệt mạng. Lính nội vụ, quân đội, lực lượng Berkut, cảnh sát giao thông đều bị bắn”, ông Zakharchenko nói trong cuộc phỏng vấn trên kênh Channel One của Nga.
Vào ngày 20/2, lực lượng Berkut và lính nội vụ đã có cuộc chạm trán tại một điểm bắn súng ở trung tâm Kiev, và “đó là lý do tại sao họ thực sự đã rút lui”.
|
Nhóm cảnh sát Berkut tranh thủ nghỉ ngơi ở ngay Quảng trường Maidan hôm 19/2, nơi các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát diễn ra.
|
“Rõ ràng phải có lý do hợp lý để một nhân viên thực thi luật pháp nổ súng vào người dân. Trong khi đó, họ (cảnh sát Berkut) bắt đầu rút lui sau các khi những đồng nghiệp của họ bị bắn”, ông giải thích.
Vị cựu bộ trưởng nhấn mạnh, các tay súng bắn tỉa – nổ súng vào cảnh sát và người biểu tình – đã đứng ngắm bắn ở 3 tòa nhà thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập Maidan.
“Đó là một sự khiêu khích với một động cơ là để khởi động cuộc tấn công vào lực lượng thực thi pháp luật nhằm chiếm giữ các tòa nhà chính phủ. Đó là sự giải thích hợp lý cho tất cả những điều xảy ra”, ông cho hay.
Zakharchenko cho rằng, Chính phủ tự xưng tại Kiev là thiên vị và do đó không có khả năng theo đuổi một cuộc điều tra công bằng về những vụ nổ súng tại thủ đô. Ngoài ra, ông còn tiết lộ, các nước phương Tây (vốn hoàn toàn ủng hộ cuộc đảo chính ở Ukraine) đều nhận thức rằng, các phần tử cực đoan Maidan có dính líu tới vụ việc này.
Việc xác định danh tính của các tay súng bắn tỉa là chủ đề nóng ở không riêng Ukraine mà còn ở nước ngoài. 12 cảnh sát Berkut đã bị bắt giữ vào đầu tuần trước với cáo buộc tham gia vào các vụ nổ súng vào dân thường tham gia biểu tình.
Trong một diễn biến mới nhất, những cựu đặc nhiệm Berkut đã tới Cơ quan cảnh sát đặc biệt (OMON) tại Moscow để nộp đơn xin việc. Trước đó, họ đã làm những thủ tục cần thiết để xin gia nhập quốc tịch Nga và vào các lực lượng vũ trang của nước này.