Chiều kích của gỡ bỏ cấm vận: tiệm cận đối tác chiến lược

Google News

Nhiều người kỳ vọng với chuyến thăm của Tổng thống Obama tại Việt Nam lần này cùng việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, quan hệ hai bên sẽ được nâng lên thành đối tác chiến lược.

Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cho đến thời điểm này được xác định bởi khuôn khổ đối tác toàn diện. Nhiều nhà quan sát cho rằng khuôn khổ này chưa phản ánh đúng thực chất quan hệ mà họ cho rằng đã là đối tác chiến lược ở nhiều khía cạnh.
Đối tác toàn diện hay chiến lược
Tuy nhiên, nếu xem khung quan hệ đối tác toàn diện là thành tựu của cả tiến trình quan hệ, từ kẻ thù đến bình thường hóa, khởi đầu với việc Tổng thống Bill Clinton bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam từ năm 1994, thì có thể thấy việc Obama gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với VN là bước đi cuối cùng của cả tiến trình, củng cố nền móng vững chắc cho khuôn khổ đối tác toàn diện mà hai nước đang theo đuổi.
Chieu kich cua go bo cam van: tiem can doi tac chien luoc
 Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi họp báo chung hôm 23/5 tại Hà Nội. Ảnh: Reuters
Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu: “chúng ta (tức Hoa Kỳ) không thể yêu cầu đối tác đóng góp nhiều hơn trong khi vẫn thực hiện các biện pháp trực tiếp hạn chế khả năng đóng góp của họ”.
Quả thực, không thể có quan hệ đối tác dù là toàn diện hay chiến lược nếu như quan hệ đó không dựa trên những nguyên tắc cơ bản của một quan hệ bình thường.
Và không thể là quan hệ bình thường nếu giữa hai bên, hoặc một trong hai bên còn tự mình áp đặt lệnh cấm vận đối với bên kia. “Đã đến lúc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí” với Việt Nam, ông McCain khẳng định.
Chính Tổng thống Obama nhiều lần nhấn mạnh trong cuộc họp báo hôm 23/5/2015 và trong bài phát biểu trước thanh niên, sinh viên Hà Nội hôm 24/5, việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương là bước đi cuối cùng, hoàn tất tiến trình bình thường hóa giữa hai bên. Đây có thể là nền tảng vững chắc cho quan hệ mà tên gọi có thể vẫn là đối tác toàn diện hoặc hơn thế nữa.
Những chiều kích của sự bình thường
Quan hệ bình thường giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế có thể được hiểu là giữa các bên sẽ không có chính sách, hành động thù địch, chống phá lẫn nhau. Cấm vận là một biểu hiện cuả sự bất bình thường của quan hệ giữa các quốc gia.
Việc chấm dứt chính sách cấm vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, cho dù sẽ còn nhiều thách thức trong thực tiễn triển khai, không chỉ phản ánh chặng đường bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương vốn hết sức khó khăn giữa hai nước, mà còn phản ánh những chiều kích khác của cụm từ bình thường hóa.
Không chỉ là giữa quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, đó là tư thế “bình thường” của Việt Nam trong triển khai các mối quan hệ đối ngoại vốn được thúc đẩy theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa kể từ những năm đầu của thập kỷ 90.
Nếu như còn nước nào, bên nào đó lo ngại rằng việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là nhằm vào vài đối tượng cụ thể thì từ nay, họ cũng nên bình thường hóa cách nhìn về quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Bởi, với tư cách là một quốc gia độc lập, chủ quyền, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào có quyền chính đáng trong thúc đẩy quan hệ bình thường với bất cứ ai, mua sắm một cách hợp pháp các trang thiết bị quân sự, vũ khí từ bất cứ đối tác nào, không nhất thiết phải để đối phó hay nhằm vào một đối tượng nào, mà để đảm bảo an ninh quốc gia mình, như lời phát biểu của Tổng thống Obama.
Đối thoại chân thành và thay đổi
Từ phía Hoa Kỳ, chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sau vài thập kỷ áp đặt cũng là nỗ lực bình thường hóa nội bộ nhằm hóa giải những tàn dư cuối cùng “hội chứng Việt Nam”. Khi kẻ thù trở thành bạn, đã và đang được khuyến khích trở thành đối tác, việc duy trì một lệnh cấm vận như vậy không còn ý nghĩa ngoài việc tạo ra những cái cớ để ai đó, dù ở bên trong hay bên ngoài Hoa Kỳ, không muốn hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai dân tộc.
Có những người muốn gắn việc dỡ bỏ lệnh cấm này với các tiến bộ về nhân quyền, dân chủ nhưng đối thoại về các lĩnh vực này chẳng phải là vẫn đang được hai bên thúc đẩy và chỉ thúc đẩy được mạnh mẽ hơn nữa trong một khuôn khổ quan hệ bình thường chứ không phải nghi kỵ, thù hận.
Chẳng phải vô cớ mà Tổng thống Obama phải dụng tâm trích lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh rằng “chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi”. Và cần phải nhấn mạnh thêm rằng đối thoại và sự thay đổi phải đến từ cả hai bên chứ không phải một bên là đủ.
Cũng như Hoa Kỳ, ở Việt Nam cũng có đòi hỏi phải hóa giải một dạng “hội chứng Hoa Kỳ” như cách ông Lê Văn Bàng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ lý giải trong bài trả lời phỏng vấn trên Viettimes trước chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế, bình thường hóa quan hệ chính trị, quân sự và cuối cùng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương chẳng phải là những bước đi cụ thể, thực tiễn nhằm khẳng định những cam kết của Hoa Kỳ tôn trọng thể chế và lựa chọn chính trị của Việt Nam mà thể hiện rõ rằng nhất qua việc Tổng thống B. Obama mời và đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng năm 2015?
Điều gì người Việt Nam có thể rút ra từ đó nếu không phải là thực tâm đối tác trong việc kiến tạo lòng tin giữa hai nước, hai dân tộc và qua đó hóa giải những gì còn lại của sự thù hận, xoa dịu những mất mát mà cả hai dân tộc đã phải trải qua. Hay cũng có thể xem đó là một dạng “của tin” mà khách muốn gửi lại.
Nỏ thần liệu có mua được?
Cũng không thể không nhắc đến một chiều kích cơ bản của quan hệ quốc tế mà Tổng thống Obama khẳng định trong bài phát biểu trước sinh viên, thanh niên Hà nội rằng “thế kỷ 20 đã cho thấy những bài học rằng mọi quốc gia đều có chủ quyền, và các nước dù lớn hay nhỏ đều phải tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, các nước lớn không được quyền bắt nạt những nước nhỏ hơn”. Và đó không chỉ là điều bình thường trong vạn sự bình thường khác của quan hệ quốc tế hiện đại mà đã là nguyên tắc ngàn năm của dân tộc Việt Nam vốn được thế giới thừa nhận.
Điều thú vị là Tổng thống Obama đã là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đã cố công trích dẫn lại hai câu đầu của bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Đại Việt rằng “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời.”
Chieu kich cua go bo cam van: tiem can doi tac chien luoc-Hinh-2
 Máy bay trinh sát P3C Orion của quân đội Mỹ. Ảnh: Airliners.net
Lệnh cấm vận vũ khí sát thương được dỡ bỏ không nhất thiết đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp cận với hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ bởi sẽ còn bước thủ tục hành chính và cả những yếu tố kỹ thuật.
Các chuyên gia về chính trị Mỹ cũng như quốc phòng Việt Nam là những người có thể nói đầy đủ nhất. Nhưng ở đây còn có một ý nghĩa quan trọng khác của câu chuyện này là việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam sẽ không phải phụ thuộc vào bất cứ một bên nào và có thêm nhiều sự lựa chọn.
Vũ khí, đạn dược, của Nga, Ấn Độ, Hoa Kỳ hay các đồng minh của họ, dù chúng ta có mua được cũng chỉ giống những mũi tên trong câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương. Mũi tên không làm nên cái thần của cây nỏ và nỏ thần thì không bạn bè, đối tác hay đồng minh nào bán để mua được.
Theo Zing News

Bình luận(0)