Theo Kyodo, chấn tâm của trận động đất nằm ở độ sâu gần 10 km dưới đáy biển, ngoài khơi tỉnh Yamagata, cách đảo lớn Honshu khoảng 85 km. Trận động đất được ghi nhận vào lúc 22h22 ngày 18/6.
Tại vùng Kaetsu thuộc tỉnh Niiagata lân cận, mức chấn động được ước tính vượt qua cấp 6 trong thang đo 7 cấp độ hoạt động địa chất của Nhật Bản.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản đã phát cảnh báo sóng thần cho người dân các tỉnh Yamagata, Niiagata và Ishikawa. Cơ quan này dự báo sóng thần có thể cao tới 1 m dọc bờ biển các tỉnh phía tây bắc nói trên.
|
Trận động đất mạnh 6,8 độ xảy ra ngoài khơi tỉnh Yamagata, phía tây bắc Nhật Bản, gây cảnh báo sóng thần. Ảnh: Japan Meteorological Agency. |
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cũng kêu gọi người dân các tỉnh trên tránh xa các bờ biển, không liều lĩnh đi ngắm sóng thần.
Tỉnh Niiagata còn có nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của tập đoàn Tepco. Theo Kyodo News, toàn bộ 7 lò phản ứng tại nhà máy này đều đã được cho ngừng hoạt động và chưa ghi nhận điểm bất thường nào.
Ngoài ra, hai tuyến tàu cao tốc trong khu vực ảnh hưởng đã ngưng dịch vụ.
Theo AP, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết một đội phản ứng khẩn cấp đã được thiết lập tại văn phòng thủ tướng để đánh giá mức độ thương vong và thiệt hại của động đất.
Ông Suga cũng hối thúc cư dân của những khu vực chịu ảnh hưởng chuẩn bị cho khả năng xảy ra dư chấn.
Đài NHK cho biết đã ghi nhận trường hợp một cụ ông bị thương nhẹ ở chân tại thành phố Murakami, nơi bị rung chuyển mạnh trong trận động đất. Một số hình ảnh được phát sóng cho thấy kính vỡ và bát đĩa rơi trên sàn tại một quán bar ở Tsuruoka. Khi động đất xảy ra, trong quán không còn khách, nhiều người chạy vội đi còn bỏ lại thức ăn dở trên bàn.
Nhật Bản nằm trong một những khu vực dễ xảy ra động đất và sóng thần nhất thế giới. Tháng 6/2018, một cơn địa chấn chết người xảy ra tại vùng Osaka, giết chết 5 người và khiến hơn 350 người bị thương.
Vào ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ tấn công bờ biển phía đông bắc nước này, gây sóng thần thảm khốc cướp đi sinh mạng của hơn 18 nghìn người, đồng thời gây ra thảm họa hạt nhân nguy hiểm ở nhà máy Fukushima.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại