Theo Bloomberg News, sau khi phát động chiến tranh thương mại và công nghệ chống Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu áp dụng chính sách hạn chế sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc học tập và nghiên cứu tại Mỹ.
Một số sinh viên và học giả Trung Quốc nói với Bloomberg News rằng trong những tuần gần đây, môi trường học tập và làm việc của Mỹ đang ngày càng trở nên kém thân thiện với người Trung Quốc.
|
Chính phủ Mỹ bắt đầu hạn chế sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Đại học Emory (Atlanta, bang Georgia) sa thải hai giáo sư người Mỹ gốc Hoa vào ngày 16/5. Ngày 3/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo với sinh viên Trung Quốc về những rủi ro khi học tập tại Mỹ.
Hạn chế sinh viên Trung Quốc
“Tôi rất lo lắng và buồn bã vì những xung đột không cần thiết. Chính sách hạn chế của Mỹ đối với các học giả và sinh viên Trung Quốc là điều không hợp lý”, ông Lưu Yuanli, hiệu trưởng Trường Y tế công ở Bắc Kinh (Trung Quốc) than thở.
Trong nhiều thập kỷ qua, giáo dục là lĩnh vực chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc. Học tại Mỹ, sinh viên Trung Quốc được tiếp cận những trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới. Ngược lại, dòng tiền học phí chuyển từ Trung Quốc trở thành nguồn thu quan trọng với các trường đại học Mỹ.
Theo thống kê của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), trong năm 2018 có tới hơn 360.000 sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến cánh cửa vào Mỹ trở nên hẹp hơn đối với sinh viên Trung Quốc. Số lượng sinh viên Trung Quốc tới Mỹ chỉ tăng 3,6% vào năm 2018, chưa bằng một nửa năm 2017.
|
Sinh viên Trung Quốc dự lễ tốt nghiệp tại Đại học Columbia. Ảnh: Xinhua. |
Tỷ lệ sinh viên được chính phủ Trung Quốc tài trợ bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ tăng lên tới 13,5% trong quý I/2019, vượt xa con số 3,2% cùng kỳ năm ngoái.
Theo một số nghiên cứu sinh Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), quá trình xin gia hạn thị thực trước đây chỉ mất 3 tuần giờ kéo dài nhiều tháng. Nhiều sinh viên Trung Quốc thừa nhận họ đang tính đến chuyện hồi hương.
Trước đây, đã từng có nhiều trường hợp nhà chức trách Mỹ bắt giữ và xét xử nghiên cứu sinh và chuyên viên Trung Quốc tội ăn cắp bí mật thương mại và công nghệ Mỹ.
Ngăn chặn nguy cơ mất bản quyền sở hữu trí tuệ
Hôm qua, một quan chức Bộ Giáo dục Trung Quốc mô tả chiến dịch hạn chế của Mỹ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hợp tác giáo dục hai nước”. Quan chức này phủ nhận cáo buộc nghiên cứu sinh Trung Quốc làm gián điệp tại Mỹ.
Sáng 4/6, Nhân Dân nhật báo đăng bài xã luận với lời khẳng định: “Người Mỹ chặn sinh viên và học giả Trung Quốc vì lo sợ Trung Quốc sẽ sớm làm chủ công nghệ hiện đại và sẽ chiếm vị trí dẫn đầu”.
Trên thực tế, hồi năm 2017 chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ xem xét giới hạn sinh viên chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán từ một số quốc gia để ngăn chặn nguy cơ bản quyền sở hữu trí tuệ rơi vào tay các quốc gia cạnh tranh.
|
Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc tại Mỹ đang tính đến chuyện về nước. Ảnh: Quartz. |
Tháng 6/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ giới giới hạn thị thực với sinh viên Trung Quốc học ngành khoa học và kỹ thuật. Các trường đại học tại Mỹ đã có những hành động đầu tiên.
Đại học Emory sa thải nhà nghiên cứu gen Li Xiao-Jiang, một thành viên chương trình “1.000 nhân tài” của Trung Quốc. Hồi tháng 4, ba nhà nghiên cứu Trung Quốc bị trục xuất khỏi Trung tâm Nghiên cứu ung thư Anderson của Đại học Texas vì bị nghi ngờ lợi dụng hoạt động nghiên cứu liên bang Mỹ.
Một số tổ chức và tập đoàn Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận sinh viên, học giả gốc Hoa trở về nước làm việc. Đại học Tế Nam, cho biết đã mời giáo sư Li từ Đại học Emory. Doanh nhân Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, cũng nói sẵn sàng đón nhận nhân tài gốc Hoa từ Mỹ.
Ông Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hợp tác Mỹ - Trung tại ĐH Denvor, thừa nhận: “Trung Quốc không thể cứ mãi phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ và sáng tạo. Trung Quốc buộc phải tự phát triển nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao”.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại