|
Ngày mai, Tòa án Tế Nam sẽ phán quyết về vụ xử cựu Ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai.
|
Chỉ trong vòng vài tuần lễ, Trung Quốc đã loan báo hơn 10 cuộc điều tra tham nhũng. Một trong những quan chức cấp cao nhất bị điều tra gần đây là ông Tưởng Khiết Mẫn, người từng đứng đầu một ủy ban chính phủ tương đương cấp bộ, quản lý các doanh nghiệp nhà nước.
Theo VOA, hầu hết trong số 40 vụ án tham nhũng được nói nhiều trong năm qua được phơi bày trên mạng internet hoặc do báo chí phanh phui.
Ông Chu Thụy Phong, một nhà báo đã dùng internet để phanh phui hàng chục quan chức tham ô, cho biết: “Ở Trung Quốc hiện nay, internet là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy mục tiêu chống tham nhũng, đặc biệt là trang mạng xã hội weibo. Điểm đặc biệt nhất của weibo là sức lan tỏa của nó: chỉ trong vòng 10 phút, một tin nhắn có thể được đăng lại 100.000 cho tới 200.000 lần…”.
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của ĐCS Trung Quốc đã lập ra một website để báo cáo về những cuộc điều tra và để tiếp nhận những thông tin về các quan chức tham nhũng. Ủy ban này điều tra cán bộ đảng viên và các quan chức cấp cao và xác định những người đó có tội hay không trước khi họ được mang ra xét xử trước tòa án.
Trang web này cho phép dân chúng dùng tên thật hoặc giấu tên để cung cấp thông tin về các quan chức tham ô, nhưng chỉ có những người tố cáo mới có quyền theo dõi vụ việc.
Giáo sư Nhiệm Kiến Minh của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho rằng website đó là một bước tiến đúng hướng, nhưng vấn đề then chốt là cải cách pháp luật. Ông nói: “Mức độ công khai về tài sản của quan chức là một yếu tố quan trọng để chứng tỏ quyết tâm của chính phủ. Nhưng tôi nghĩ rằng… việc quan trọng nhất để chứng tỏ quyết tâm ngăn chận tham nhũng của chính phủ là sửa đổi cơ cấu của hệ thống phòng chống tham nhũng”.
Giáo sư Nhiệm Kiến Minh nói thêm rằng ông hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích dân chúng phanh phui các vụ tham nhũng, đồng thời ông cũng muốn thấy trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đóng một vai trò có thực chất hơn trong nỗ lực đó.