Chính phủ Armenia cho biết quân đội Azerbaijan đã tấn công bằng không quân và pháo binh vào khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, buộc Armenia phải tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên quân đội nhằm chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Tuy nhiên, phía Azerbaijan nói rằng họ đáp trả lại các cuộc pháo kích của Armenia, Guardian đưa tin.
Một số nhà hoạt động nhân quyền ở Armenia cho biết một phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Azerbaijan. Quân đội Armenia đã thông báo có ít nhất 10 binh sĩ thương vong.
Các quan chức ở thành phố Baku, thủ đô Azerbaijan, cho biết một số lượng chưa xác định thường dân đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Đại diện Nagorno-Karabakh cho biết 10 binh sĩ đã thiệt mạng. Guardian không thể xác nhận các báo cáo một cách độc lập.
Quân đội Azerbaijan cho biết họ đã giành quyền kiểm soát 6 ngôi làng ở Nagorno-Karabakh tính đến chiều 27/9, Armenia bác bỏ tuyên bố này.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết quân đội nước này đã phá hủy 3 xe tăng, bắn rơi 2 trực thăng và 3 máy bay không người lái, để đáp trả cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự của Azerbaijan, bao gồm thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh.
Trong khi đó, cơ quan phòng vệ của Nagorno-Karabakh tuyên bố binh lính của họ đã bắn hạ hai trực thăng quân sự và 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng của Azerbaijan, theo Reuters.
|
Người dân Armenia tham dự đợt tuyển quân sau lệnh tổng động viên của chính phủ. Ảnh: Reuters. |
Azerbaijan bác bỏ tuyên bố của Bộ Quốc phòng Armenia và nói rằng họ có lợi thế trước kẻ thù trên mọi mặt trận, đồng thời cáo buộc quân đội Armenia đã tiến hành các cuộc tấn công có chủ đích dọc theo khu vực tranh chấp.
Azerbaijan và Armenia - hai quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã xung đột trong nhiều năm tại vùng núi Nagorno-Karabakh, một khu vực chủ yếu người Armenia, nhưng thuộc sự quản lý của Azerbaijan sau khi Liên Xô tan rã.
Hai nước đã có cuộc chiến kéo dài 6 năm để giành quyền kiểm soát khu vực cho đến khi ngừng bắn vào năm 1994. Kể từ đó Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập và thành lập Cộng hòa Artsakh, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Tranh chấp kéo dài ở khu vực Caucasus thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của phương Tây, vì khu vực này là hành lang cho đường ống dẫn dầu và khí đốt từ biển Caspi đến thị trường toàn cầu. Hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quan hệ kinh tế và văn hóa mạnh mẽ với Azerbaijan tuyên bố sẽ sát cánh cùng Baku trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Trong một tuyên bố trên Twitter, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan gọi “Armenia là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”.