Vụ án hồ Dâm Đàm và ông trạng hóa hổ

Google News

(Kiến Thức) - Việc Lê Văn Thịnh bị khép vào tội mưu phản rồi bị đi đày là một nghi án mà sử sách sau này chưa làm sáng tỏ. 

Dù lịch sử chưa thể minh oan cho ông, nhưng nhân dân không quên công ơn của vị Thái sư tài ba, có nhiều công lao với đất nước. Gần một nghìn năm đã qua, nhân dân khắp nơi vẫn về đền thờ ông cung kính thắp hương tưởng nhớ.
Vụ án hồ Dâm Đàm và ông trạng hóa hổ
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về năm 1085, Lê Văn Thịnh được nhà vua thăng hàm Thái sư trong suốt 10 năm liền. Năm Bính Tý (1096), Lê Văn Thịnh theo vua Lý Nhân Tông đi chơi thuyền trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây), gặp lúc sương mù dày đặc, Lê Văn Thịnh cho thuyền đưa nhà vua quay về. Không ngờ thuyền của Lê Văn Thịnh vừa đến trước thuyền nhà vua, Vua chợt thấy con hổ ngồi trong thuyền, tưởng Lê Văn Thịnh hóa hổ để dọa. 
Lê Văn Thịnh bị khép vào tội mưu phản rồi bị cách chức và bị đày đi vùng Thao Giang, Tam Nông, Phú Thọ. Cũng có tài liệu nói là ông bị đày vào Thanh Hóa - Kẻ Rí, huyện Đông Sơn. Truyền thuyết dân gian ở vùng Kẻ Rí và gia phả họ Lê ở đây nói rằng, tiến sĩ Lê Quát (đời Trần Minh Tông) là dòng dõi Lê Văn Thịnh. Các bộ sử không thấy ghi ngày tháng năm mất của Lê Văn Thịnh.
Việc Lê Văn Thịnh bị khép vào tội mưu phản rồi bị đi đày là một nghi án mà sử sách sau này chưa làm sáng tỏ. Có người nói ông bị nghi kỵ nên bị mưu hại. Có người cho rằng ông là nạn nhân của sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo và Nho giáo... Nếu đúng là Lê Văn Thịnh có mưu đồ ám hại Vua, để người thuyền chài Mục Thân bắt được, thì tại sao không xử tội chết, mà chỉ là lưu đày viễn xứ? Đây là một điều khó hiểu!
Tượng rồng “miệng cắn thân, chân xé mình”. 
Bức tượng rồng trong ngôi miếu thờ
Ngày nay tại quê hương Lê Văn Thịnh, làng Đông Cứu, huyện Gia Bình trên mảnh đất của gia đình ông thuở xưa (cách nay gần 1000 năm) nhân dân đã xây dựng đền thờ ông. Trong đền thờ có bức hoành phi bốn chữ “Đỉnh giáp khai khoa” và đôi câu đối:
Bắc triều phong sứ vô song sĩ
Nam quốc khai khoa đệ nhất nhân.
Bên trái đền thờ có một cái miếu nhỏ. Năm 1993, người ta đào được một tượng rồng bằng đá trước cửa miếu. Tượng miêu tả con rồng đang cuộn mình lại, đầu cúi xuống, hai hàm răng đang cắn vào thân mình, hai mắt to lồi ra biểu hiện sự đần độn, vẩy rồng được chạm khắc theo vẩy cá chép, năm ngón chân sắc nhọn trông dữ tợn. Tai rồng, một tai không có lỗ, biểu hiện sự không toàn thính, chỉ nghe một tai.
Trong lịch sử kiến trúc, con rồng là biểu tượng của nhà vua. Pho tượng rồng này không ghi rõ niên đại chế tác, nhưng nhìn vào, chúng ta có thể thấy được ý đồ của người tạo tượng là phê phán những người cầm quyền không sáng suốt, thiên lệch, nghe sàm tấu của những kẻ đố kỵ, trù dập nhân tài, cách chức, lưu đày bậc hiền thần, là sự tự cắn vào mình, được dân gian phản ánh một cách sâu kín và đầy châm biếm.
Ngôi đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh là một di tích lịch sử. Nhân dân khắp nơi về đây cung kính thắp nén nhang, tưởng nhớ bậc hiền tài, người khai khoa đầu tiên của nền học vấn nước nhà.
Trịnh Dương

Bình luận(0)