Vị quan được vua Tự Đức thưởng chữ "liêm, bình, cần, cán"

Google News

(Kiến Thức) - Vũ Trọng Bình là một vị quan nhà Nguyễn, công minh, chính trực. Không chỉ giỏi về mặt hành chính, ông còn có khả năng về mặt quy hoạch nông nghiệp...

Vũ Trọng Bình là một vị quan nhà Nguyễn, công minh, chính trực. Không chỉ giỏi về mặt hành chính, ông còn có khả năng về mặt nông nghiệp và thường xuyên quan tâm đến đời sống của người nông dân. Ông được vua Tự Đức thưởng bốn chữ "liêm, bình, cần, cán".
Khơi sông, đắp đê, xin miễn thuế
Vũ Trọng Bình sinh năm Mậu Thìn (1808) tại làng Mỹ Lộc, huyện Phong Phú, sau đổi là làng Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Vũ Trọng Bình đậu cử nhân năm Quý Mão (1843) dưới thời Minh Mạng thứ 15, sau đó được bổ nhiệm Tri phủ Hòa Đa (Quảng Nam). Mới ra làm quan, ông đã có tiếng về hành chính nên được triều đình điều về triều giữ chức Giám sát Ngự sử. Thời kỳ đó chức vụ Ngự sử gần giống như chức vụ thanh tra ngày nay, thường được triều đình phó thác cho những vị quan công minh, chính trực. Với cương vị giám sát các quan lại, ông đã dâng sớ hạch tội Nguyễn Chấn tham ô, có đầy đủ chứng cứ rõ ràng, Vũ Trọng Bình liền được thăng chức Án sát tỉnh Thái Nguyên.
Vi quan duoc vua Tu Duc thuong chu
 Ảnh minh họa.
Vũ Trọng Bình không chỉ giỏi về mặt hành chính mà ông còn có khả năng về mặt nông nghiệp và thường xuyên quan tâm đến đời sống của người nông dân. Năm Mậu Thân (1848) khi Tự Đức mới lên ngôi vua, lúc đó Vũ Trọng Bình đang làm Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên, ông đã đề nghị nhà vua cho khơi sông Lợi Nông đưa nước tưới cho các cánh đồng thuộc các huyện phía nam kinh đô Huế, đắp đê ngăn mặn bảo vệ mùa màng và xin triều đình miễn giảm thuế nông điền cho một số tỉnh thành gặp khó khăn.
Có tài năng trị thủy
Năm Quý Sửu (1853), tới kỳ xét công tội cho quan lại cả nước (3 năm một lần), vua Tự Đức thấy Vũ Trọng Bình là người thanh, cần, không quấy nhiễu dân chúng, thưởng cho một kim khánh hạng lớn trên đó có khắc bốn chữ "liêm, bình, cần, cán" (con người thanh liêm, công bằng, siêng năng, tháo vát).
Năm Bính Thìn (1856), Tự Đức năm thứ 9, khi Vũ Trọng Bình đang giữ chức Tổng đốc Ninh - Thái, gặp lúc lụt bão, dân tình bị mất mùa đói khát, ông tâu xin với nhà vua hoãn việc truy dân thiếu thuế và binh lính bỏ trốn, triều đình đồng ý. Năm ấy, đê điều bị vỡ nặng, vua lo việc trị thủy chưa biết ai gánh vác, triều đình cho rằng Vũ Trọng Bình là người có tài năng về thủy lợi, đề cử lên vua giao trọng trách. Ông được đổi làm việc quản lý mọi việc đê chính. Vũ Trọng Bình liền dâng sớ tâu xin: "Trước hết cho khơi sông Thiên Đức để chia thế nước, lại tính định công phí đắp đê". Nhà vua theo ý và dụ thêm rằng: "Công trình đắp đê ở Hà Nội rất khẩn thiết, các huyện vùng thượng lưu thế nước rất mạnh, đó là những nơi phải lo toan trước nên châm chước liệu định, chậm, chóng không nên câu nệ mà phải thất sách"...
Năm Tân Dậu (1861), Tự Đức thứ 14, Vũ Trọng Bình lại tâu vua ba việc vỗ về và dẹp yên ở Bắc Kỳ:
- Thay đổi quan lại tồi tệ.
- Miễn việc trừ lương của binh lính (khi có tội).
- Miễn tội cho người có tội mà ra đầu thú.
Vua khen là phải và cho thi hành. Hai năm sau, năm Quý Hợi (1863), Vũ Trọng Bình được cử làm Thượng thư bộ Hộ (tài chính) kiêm bộ Công (giao thông, xây dựng) sung Cơ mật viện đại thần.
Tuấn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)