Người khai mở “hai mặt trận”, “ba ngọn cờ”
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước bước sang giai đoạn khôi phục nền kinh tế, xây dựng CNXH ở miền Bắc từ một nền nông nghiệp lạc hậu bị tàn phá sau 10 năm chiến tranh. Để khắc phục những khó khăn, trở ngại trên mặt trận nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng và Bác Hồ giao phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương.
Từ cuối năm 1960, trên các cánh đồng miền Bắc, thỉnh thoảng có một “lực điền” từ đâu về, với bộ quần áo nâu sồng, quần xắn cao, có lúc dầm mình trong nước, cùng làm với mấy bác nông dân, lắng nghe, tìm hiểu và suy nghĩ. Để rồi đến một ngày, luồng gió mát “Đại Phong” thổi mạnh vào các HTX nông nghiệp, tạo nên luồng gió mới trên khắp đồng ruộng miền Bắc. Và "Gió Đại Phong" không chỉ tạo sự phát triển sức sản xuất, mà quan trọng hơn, đã củng cố và phát triển quan hệ sản xuất mới, một yếu tố hết sức quan trọng để chuẩn bị tiềm lực và sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
|
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) và Thượng tướng, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Trần Văn Trà nghe báo cáo tình hình chiến trường (năm 1966). Ảnh tư liệu.
|
Cùng với thúc đẩy sản xuất nông nghiệp - mặt trận hàng đầu, Đảng, Nhà nước chỉ đạo khôi phục và phát triển nền công nghiệp - “mặt trận thứ hai”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ cùng một số đồng chí khác chỉ đạo mặt trận này. Với kinh nghiệm chỉ đạo trên lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau một thời gian, phong trào “Sóng Duyên Hải” ra đời, cổ vũ nền công nghiệp non trẻ bước đi lên trong quỹ đạo của một nền sản xuất mới theo hướng công nghiệp hóa XHCN...
Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai lật lọng phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, ra sức đàn áp phong trào cách mạng miền Nam, chuẩn bị tấn công ra miền Bắc. Đất nước phải gồng mình, vừa ra sức xây dựng CNXH, sẵn sàng bảo vệ miền Bắc, vừa sẵn sàng chi viện cho miền Nam ruột thịt. Một lần nữa, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ cùng Quân ủy Trung ương chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng LLVT.
Lúc này, đế quốc Mỹ đang ra sức chuẩn bị kế hoạch “Bắc tiến”. Không khí chiến tranh tràn ngập vùng Bắc giới tuyến Quảng Bình. Đêm đêm, biệt kích dù, biệt kích nhái tìm cách xâm nhập sâu vùng Vĩnh Linh (Quảng Bình), có lúc ra tận Hà Tĩnh, Nghệ An. Công cuộc xây dựng thế trận, lực lượng hết sức nóng bỏng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã về tận Vĩnh Linh, nơi Trung đoàn 270 đang trực tiếp phòng thủ trên tuyến đầu để nghiên cứu xây dựng điểm các đại đội mạnh. Đại đội Lê Hồng Phong được chọn làm đơn vị đột phá, vừa tạo sức mạnh chiến đấu trực tiếp, vừa tạo khí thế cho tuyến đầu, tạo niềm tin cho lực lượng và nhân dân vùng Bắc giới tuyến. Từ trải nghiệm cuộc đời chiến đấu của mình qua tù đày, được tôi luyện trong gian khó, cùng kinh nghiệm phát động hai ngọn cờ “Gió Đại Phong” và “Sóng Duyên Hải”, đồng chí đã “thổi hồn” vào phong trào rèn luyện chiến đấu của đơn vị. Chỉ một thời gian sau, tinh thần, khí thế cách mạng của đơn vị lên rất cao với “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ngọn cờ “Ba nhất” đã ra đời từ đó, cổ vũ LLVT toàn quốc chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt bước vào cuộc chiến đấu mới.
Đến thời điểm đó, đất nước ta đã hình thành “ba ngọn cờ” trên ba lĩnh vực và hai mặt trận để vững vàng bước vào một giai đoạn quyết định của cách mạng: Bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh có vai trò trực tiếp to lớn, nhất là trên mặt trận chống Mỹ, cứu nước. Những ngày sôi sục chiến tranh bao trùm lên vùng Vĩnh Linh từ bên kia giới tuyến tạo ra, thì ở Đại đội Lê Hồng Phong (Trung đoàn 270), nơi phất cờ “Ba nhất”, từ người chỉ huy đến binh nhì, mọi hoạt động đều toát lên một khí thế cách mạng hào hùng của những chiến binh sẵn sàng xung trận. Nhiều cán bộ, chiến sĩ nói: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã “thổi hồn” cho đơn vị chúng tôi”. Cờ “Ba nhất” của Đại đội Lê Hồng Phong đã lan tỏa khắp trong toàn quân với một khí thế “thi đua đuổi-vượt” đơn vị dẫn đầu phong trào, dẫn dắt toàn quân bước vào trận đánh với tinh thần “Quyết thắng”. Và chính Sư đoàn 341 (trước đó là Trung đoàn 270) - đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, trong đó có Đại đội Lê Hồng Phong đã mang truyền thống, tinh thần “Ba nhất” trong những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lập thêm nhiều chiến công mới, đặc biệt đã kiên cường đập tan “cánh cửa thép Xuân Lộc” - phía Đông Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, mở đường cho Tập đoàn quân Cánh Đông thọc sâu vào Dinh Độc Lập sáng 30-4-1975...
Câu trả lời “dám đánh và quyết đánh”
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp phần làm nổi bật chân lý về vai trò quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh là thuộc về tinh thần, ý chí của người chiến sĩ cách mạng trên chiến trường, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ.
Trước sự can thiệp của đế quốc Mỹ, chúng ồ ạt đưa hàng chục vạn quân vào miền Nam với một sức mạnh mà thế giới phải lo sợ; không ít cán bộ, chiến sĩ trong quân đội lúc bấy giờ tỏ ra băn khoăn, thậm chí hoài nghi: Liệu có đánh và có thắng được quân Mỹ không? Lúc bấy giờ, một số bạn bè quốc tế thân thiết với ta cũng lo lắng, khêu gợi ta nên nghiên cứu tìm giải pháp khác. Nhiều câu trả lời, nhiều cách giải thích, nhưng vẫn chưa giải đáp được. Có một câu trả lời của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, tuy đơn giản, nhưng lại có sức thuyết phục cao: “Quân đội Mỹ mạnh trên đất Mỹ, nhưng không thể mạnh trên đất nước Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam với hơn 30 triệu dân chưa từng bị khuất phục, với khẩu hiệu của Bác Hồ: “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và với tinh thần “dám đánh và quyết đánh”.
Thấm nhuần truyền thống, ý chí bất khuất của dân tộc và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã truyền cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân niềm tin chắc thắng ngay từ trận đầu để vững vàng bước vào cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ.
Trên chiến trường Tây Nguyên, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, đưa Lữ đoàn kỵ binh không vận số 1-Anh cả đỏ của quân lực Hoa Kỳ lên Tây Nguyên - địa bàn chiến lược quan trọng nhằm khống chế cả ba nước Đông Dương, người chỉ huy kiêm chính ủy mặt trận Tây Nguyên Chu Huy Mân-người đồng chí rất gần gũi, “tâm đầu ý hợp” với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhanh nhạy nắm bắt sự chỉ đạo của đồng chí, quyết tâm táo bạo, đầy bản lĩnh và mưu lược, đã làm nên một chiến thắng lẫy lừng. Trong chiến dịch Plây Me (từ 19/10 đến 26/11/1965), bộ đội ta đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn quân Mỹ, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn quân Mỹ và một chiến đoàn ngụy, đánh sập ý chí và sự kiêu ngạo của các tướng Mỹ. Trận thắng Mỹ tại thung lũng Ia Đrăng (nay thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cho thấy, những quan điểm chỉ đạo mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh-người Tổng Chính ủy đầu tiên của Quân đội ta đã góp phần khơi dậy và truyền cảm hứng cho toàn quân, trước hết là người chỉ huy các cấp, biến ý chí, quyết tâm thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Từ trận đầu thắng Mỹ ở Tây Nguyên, phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” đã nở rộ khắp chiến trường và 10 năm sau (1975) đã trở thành hiện thực sinh động: Mỹ cút, ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc...
Viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhiều công trình lịch sử, khoa học, tư liệu đã đề cập một cách sâu sắc, toàn diện về vai trò và sự cống hiến của đồng chí, khẳng định công lao to lớn của một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người góp công kiến tạo “linh hồn”, “mạch sống” của quân đội. Những quan điểm của đồng chí trong xây dựng quân đội về chính trị, công tác tư tưởng, rèn luyện ý chí, bản lĩnh, tinh thần cách mạng tiến công của một đội quân cách mạng của Đảng mãi mãi là chỗ dựa tinh thần cho xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt chiều dài công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, để sự nghiệp của Đảng luôn tiến lên phía trước, nhất là ở những thời điểm khó khăn của cách mạng, trong một thế giới nhiều biến động khó lường.
Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC
Nguyên Tư lệnh Quân khu 4