Trả lại chân giá trị cho Ngô Thì Nhậm

Google News

(Kiến Thức) - Ngày nay, từ những tài liệu chính xác của lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam dần dần có đầy đủ cơ sở để nhìn lại cuộc đời Ngô Thì Nhậm...

Tuy tên Ngô Thì Nhậm trên bia Văn Miếu đã bị đục bỏ, nhưng ngày nay, từ những tài liệu chính xác của lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam dần dần có đầy đủ cơ sở để nhìn lại cuộc đời ông và trả lại cho ông chân giá trị của một người trí thức lỗi lạc, đã có những cống hiến lớn cho dân tộc trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học.
Được các tướng tài kính trọng
Bia đá Văn Miếu là di vật mà lịch sử để lại và chúng ta cần tôn trọng. Dù triều Lê hay triều Nguyễn, việc đục tên như vậy, đúng sai thế nào hậu thế đã có câu trả lời rõ ràng rồi, GS Lê Văn Lan cho biết: "Câu chuyện ấy càng khiến chúng ta nhớ tới Ngô Thì Nhậm nhiều hơn khi so sánh sự nghiệp của ông với toàn bộ các tiến sĩ được vinh danh cùng thời".  
Ngày nay, từ những tài liệu chính xác của lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam dần dần có đầy đủ cơ sở để nhìn lại cuộc đời ông và trả lại cho ông chân giá trị của một người trí thức lỗi lạc, đã có những cống hiến lớn cho dân tộc trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học. Tuy không phải là tướng cầm quân, nhưng là người am tường binh pháp, một nhà chiến lược tài ba, từng viết: Phàm quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông. Binh quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng là thắng ở chỗ mềm dẻo, chứ không ở chỗ ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít, đây chính là tư tưởng quân sự quan trọng và đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo quân sự Việt Nam.
Từng giữ chức thượng thư Bộ binh, được các tướng tài Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng kính trọng, càng chứng tỏ tài năng, binh pháp, thao lược của Ngô Thì Nhậm. Đặc biệt, trong cuộc đại phá quân Thanh, Ngô Thì Nhậm có nhiều ý kiến quan trọng, phân tích sâu sắc thế giặc, lòng dân, đưa ra chủ trương lui quân về phòng tuyến Tam Điệp, chuẩn bị chiến trường để Quang Trung từ Phú Xuân tiến quân ra tiêu diệt giặc. 
Chủ trương lui quân, phải là người thông thạo phép dùng binh, có tầm nhìn của một vị tướng thao lược mới có thể làm được. Kế hoạch lui quân chiến lược tài tình đã được Nguyễn Huệ đánh giá cao: "Các ngươi đem toàn quân tránh mũi nhọn của địch để khích lệ lòng căm tức của quân sĩ, ngoài thì tăng thêm lòng kiêu căng của giặc. Đó cũng là kế nhử giặc. Mới nghe ta đã đoán là kế của Ngô Thì Nhậm". 
Tra lai chan gia tri cho Ngo Thi Nham
Tranh minh họa. 
Sử dụng ngòi bút như vũ khí lợi hại
Ngô Thì Nhậm mang hết tài năng tận tâm giúp dân, cứu nước. Sau khi chiến thắng quân Thanh, nhà Tây Sơn phải giải quyết hàng loạt những công việc, Ngô Thì Nhậm có những đóng góp to lớn về nội chính, thông qua những chủ trương, những hoạt động, bằng nhãn quan chính trị sáng suốt, sâu sắc, một tư tưởng tiến bộ, đã được thể hiện trong các chiếu dụ (chiếu lên ngôi, chiếu khuyến nông, chiếu hiểu du, chiếu cầu hiền) mà Ngô Thì Nhậm thay vua thảo ra để công bố. 
Ngoại giao là nhiệm vụ trọng yếu, khó khăn, Vua Quang Trung đã nhìn xa, trông rộng: Mười ngày đuổi được giặc Thanh, nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm hổ thẹn mà báo thù. Đến lúc ấy chỉ người khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao. Không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Trọng trách này Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm. Bằng tài năng và trí tuệ uyên bác của mình, Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao, giúp triều Tây Sơn một trang sử ngoại giao vẻ vang, ngang với chiến thắng bằng quân sự. 
Ngô Thì Nhậm viết nhiều sách khảo cứu, làm nhiều thơ văn, sử dụng ngòi bút như một vũ khí lợi hại, phục vụ cho sự nghiệp nội trị, ngoại giao với quan điểm ngọn bút phải thay giáo mác, làm thơ phải lui được giặc. ông là một trong các tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Ngoài ra, ông còn để lại những sách giá trị trong kho tàng văn học cổ của Việt Nam.
TS Nguyễn Thành Hữu

Bình luận(0)