Dùng lời nói để dẹp nạn binh đao
Tại Tam Điệp, trước khi xuất phát tiến ra Thăng Long đánh đuổi quân Thanh, vua Quang Trung đã tiên liệu trước: "Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua 10 ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười lần nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân. Nỡ nào làm như vậy. Đến lúc ấy chỉ có người khéo lời mới dẹp nổi binh đao, không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được".
Quả nhiên, khi chạy về nước, Tôn Sĩ Nghị tỏ ra cay cú, tâu xin vua Thanh cho đem quân phục thù. Tuy nhiên, Càn Long cũng đủ minh mẫn để cân nhắc có nên động binh lần nữa hay không. Ông ta cử bối lặc Phúc Khang An, một tướng trẻ người Mãn thuộc hàng thân thích, thay Tôn Sĩ Nghị làm Tổng đốc Lưỡng Quảng tập trung tới 50 vạn quân của 9 tỉnh rải dọc theo biên giới.
Phúc Khang An nhân danh nhà Thanh vẫn một mực dùng lời lẽ nước lớn trịnh thượng, yêu sách những điều vô lí. Ngô Thời Nhậm thay mặt nhà vua viết thư đáp lại mềm mỏng, nhưng cũng ngầm ý không chịu khuất phục: "Nếu thiên triều không khoan dung cho phần nào, cứ muốn tranh chiếm, muôn một xảy ra binh đao, tình thế vỡ lở, nước nhỏ không được thờ nước lớn, thì nước tôi cũng đành phải theo mệnh trời mà thôi".
Mềm nắn, rắn buông, Phúc Khang An và Tuần phủ Quảng Tây Thang Hùng Nghiệp nhận thư mà toát mồ hôi. Chứng kiến hậu quả thảm bại của Tôn Sĩ Nghị, thấy rõ tài dụng binh của Nguyễn Huệ và khí thế của người Việt, Phúc Khang An rất lo sợ nếu phải cầm quân đánh nhau với người Việt. Ông ta viết thư cho Quang Trung gợi ý nên cầu hòa.
|
Tranh minh họa. |
Chưa được phong, chưa đi sứ
Trước mắt cần ổn định đất nước, tránh can qua làm dân khổ, Quang Trung nắm lấy thời cơ để tạo mối quan hệ mới với phương Bắc. Nhân đấy lại mang vàng bạc châu báu sang hối lộ, biếu xén mua chuộc bọn tham quan nhà Thanh. Phúc Khang An viết tấu lên Càn Long, phân tích là nước An Nam thời tiết viêm nhiệt, đường sá trắc trở xa xôi, vận chuyển lương thảo khó khăn, không tiện cho việc viễn chinh. Hòa Thân, cận thần của nhà vua được ăn hối lộ, cũng phụ họa theo, rằng các đời vua Tống, Nguyên, Minh kéo sang đánh An Nam chưa bao giờ thắng được. Phúc Khang An được phép đánh tiếng bằng lòng phong vương cho Nguyễn Huệ.
Ngay tháng Ba năm Kỷ Dậu (1789), phái đoàn sứ bộ nước ta do Chánh sứ Nguyễn Hữu Chu dẫn đầu đã được Phúc Khang An và Thang Hùng Nghiệp đón tiếp trọng thể tại ải Nam Quan. Hai bên đồng ý hòa hoãn, rút quân ra khỏi biên giới. Theo yêu cầu của Phúc Khang An, phía ta đáp ứng những vấn đề nhân đạo, như trả tù binh cho nhà Thanh, cho phép xây một số đền miếu thờ tướng sĩ Thanh tử trận, trong đó có đền thờ Sầm Nghi Đống, thậm chí đích thân nhà vua còn đọc văn tế các oan hồn của chúng.
Để chính thức hóa việc cầu phong, Càn Long yêu cầu sang năm 1790 đích thân Nguyễn Huệ sang Bắc Kinh triều kiến để nhận thụ phong nhân dịp Bát tuần đại thọ (mừng thọ 80 tuổi) của ông ta. Nhưng Nguyễn Huệ không chịu, lấy cớ nếu đến mừng thọ mà chưa có danh vị quốc vương thì không có thể diện ra mắt. Nguyễn Huệ chỉ cử cháu là Nguyễn Quang Hiển thay mặt mình sang Yên Kinh (Bắc Kinh bây giờ) cầu phong; mặc dù không muốn, nhưng nhà Thanh cũng đành chấp nhận.
(Còn nữa...)