Khi tìm tông tích của Lý Công Uẩn, giới nghiên cứu quan tâm các địa danh Đình Bảng, Dương Lôi, Hoa Lâm. Có thời các nhà nghiên cứu cho rằng Đình Bảng là quê nội và Dương Lôi là quê ngoại của Lý Công Uẩn.
Vùng đất lăng mộ của các vua triều Lý
Hai ngôi làng nội ngoại này cách nhau bởi rừng Báng, có mộ thiên táng của bà Phạm Thị Ngà thân mẫu của Lý Công Uẩn và về sau trở thành vùng đất “sơn lăng cấm địa” với lăng mộ của các vua triều Lý.
Có nhà nghiên cứu cho rằng ở Đình Bảng có đền Đô thờ 8 vua Lý và như thế cha ruột của Lý Công Uẩn là quốc sư Lý Vạn Hạnh. Tất nhiên giới nghiên cứu đã bác bỏ hướng nghiên cứu này từ vài năm nay. Gần đây lại phát hiện ở đình Dương Lôi thờ 8 vua Lý làm thành hoàng, lại có đền thờ Lý Thánh mẫu (thờ Minh Đức Thái Hậu Phạm Thị Ngà).
Chùa Cha Lư cách đó không xa vừa thờ Phật và thờ bà Phạm Thị Ngà. Lý Công Uẩn chào đời trong một túp lều ở phía sau chùa Cha Lư này. Một số nhà sử học lại tạm thời kết luận Dương Lôi là quê nội của Lý Công Uẩn, còn Hoa Lâm (Đông Anh) là quê ngoại.
|
Đền Đô – khu sơn lăng cấm địa của nhà Lý thờ 8 vị vua. |
Tuy nhiên, làng Dương Lôi hiện còn nhiều người họ Phạm, có mối quan hệ huyết thống với bà Phạm Thị Ngà, trong khi đó ở Hoa Lâm có nhiều người họ Nguyễn (gốc Lý), khiến nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn băn khoăn về nguyên quán Hoa Lâm của mẹ vua Lý.
Nhà nghiên cứu Chu Minh Khôi cho biết: Khi chúng tôi đề cập về Hoa Lâm, ông Nguyễn Văn Quyết, trưởng thôn Dương Lôi ở Bắc Ninh lại đưa ra quan điểm rất khác với những người ở Hoa Lâm. Theo ông Quyết, ở Dương Lôi vẫn còn dòng họ Phạm nhận là dòng họ của bà Phạm Thị Ngà. Trong khi, ở Hoa Lâm lại có dòng họ Nguyễn nhận là hậu duệ của tôn thất nhà Lý, như vậy chưa đủ khẳng định Hoa Lâm là quê hương bà Phạm Thị Ngà.
Bởi Hoa Lâm nằm kề kinh đô Thăng Long, lại ở ngay ngã 3 hợp lưu của sông Hồng và sông Đuống, nên được các vương tôn nhà Lý chọn làm nơi xây cung thất nghỉ ngơi, giải trí, săn bắn. Hoa Lâm chỉ hình thành sau khi nhà Lý đã lên ngôi, như vậy việc tại Hoa Lâm có dòng hậu duệ của các vương tôn nhà Lý còn truyền đến ngày nay là hoàn toàn có thể lý giải được.
|
Chùa Cha Lư, nơi được khẳng định là nơi Lý Công Uẩn sinh ra. |
Lý gia linh thạch
Một số nhà sử học dựa vào hai chứng tích để minh chứng rằng Hoa Lâm là quê mẹ của Lý Thái Tổ: Đoạn văn khắc chữ Hán trên bia“Lý gia linh thạch”khắc vào năm 1793 như sau: “... Đông Ngạn, Hoa Lâm nhân Phạm mẫu, tiêu dao kỳ tự, thường kiến nhất thần hầu” đặt ở chùa Tiêu và đôi câu đối cổ: “Mạch tụ quân vương truyền thắng địa/Tích lưu Lý mẫu quán danh phương” lưu ở đình thôn Thái Đường ở xã Mai Lâm.
Tuy nhiên văn khắc này là do người đời sau khắc vào năm 1793 nên độ tin chưa cao. Ở Hà Nội từng tổ chức một hội thảo ngày 27/12/2008 nhằm trao đổi vấn đề tông tích của Lý Công Uẩn, nhưng cuộc hội thảo vẫn chưa khẳng định được gốc gác của Lý Công Uẩn.
Điều nổi cộm là các thành viên hội thảo thấy rằng các học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn đặt vấn đề Lý Công Uẩn là con ruột của Lý Vạn Hạnh là không thuyết phục. Tuy nhiên công bằng mà nói, cũng qua sự tìm tòi tông tích Lý Công Uẩn ở Cổ Pháp (Bắc Ninh) của các nhà nghiên cứu ngày càng có thêm dữ kiện giúp làm sáng tỏ dòng dõi của vị vua sáng lập nhà Lý.
GS Hoàng Xuân Chinh, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Chưa thể khẳng định chắc chắn rằng, hai làng Dương Lôi và Hoa Lâm là quê hương nhà Lý bởi chứng cứ đưa ra chưa thật đầy đủ, và không phải ngẫu nhiên, Đền Đô lại được xây dựng trên đất Đình Bảng”.
|
Lan can sấu – đá tìm thấy ở Hoa Lâm. |
Di vật lan can sấu đá
PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam gợi ý: “Việc phát hiện lan can sấu đá là minh chứng cho việc tồn tại của công trình kiến trúc cung đình tại Hoa Lâm. Những di vật tìm thấy ở nơi đây cũng cho thấy, đây là nơi cư dân sinh sống liên tục từ thời Hán cho đến Tùy Đường kéo dài tới thời Lê. Riêng về vấn đề gốc tích quê hương nhà Lý cần phải đi sâu và nghiên cứu thêm nữa. Những hiện vật đang ẩn dưới lòng đất sẽ là nguồn tư liệu phong phú và thuyết phục cho những nhận định mới của sử học”.
Xét về tình riêng thì vua Lý Thái Tổ cũng có nỗi niềm là con không có cha ruột một cách chính danh, nhưng xét về nghĩa chung của cộng đồng dân tộc Việt thì ngài là con của quảng đại quần chúng. Ông được quần chúng có văn hoá thai nghén, được tấm lòng nhất thống của nhân dân nuôi dưỡng và được lớp trí thức tam giáo tôn vinh.
Chính Lý Công Uẩn đã ý thức đầy đủ điều ấy, và đã không phụ lòng quần chúng, không phụ lòng lớp trí thức mong mỏi nơi mình. Khi mới lên ngôi, Lý Công Uẩn chưa vội truy phong cho ông bà nội. Việc này bị sử thần phê phán nhà vua làm không đúng điển lễ.
|
Bia “Thiên hương trụ thạch” có ghi: Dương Lôi là đất báu tối thiêng của nhà Lý. |
Thực ra, vị cố vấn thông thái Vạn Hạnh thừa biết điều ấy, nhưng chưa truy phong ông bà nội của ngài là vì trước đó đã tạo huyền thoại Lý Công Uẩn là con thần. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giới nghiên cứu khó trả lời câu hỏi cha ông của Lý Công Uẩn là ai.
Nhưng rồi Lý Công Uẩn cũng phải truy phong cha là Hiển Khánh Vương mà không là Hiển Khánh Đế. Dữ kiện này phản ánh một điều sâu kín của Lý triều: Lý Thái Tổ truy phong ngầm cho ông nội của mình đến bậc đế chăng?
“Kết quả điều tra nghiên cứu thực địa của chúng tôi cho thấy rõ ràng Dương Lôi là cái nôi văn hóa sản sinh bà Phạm Thị Ngà – mẹ vua Lý Công Uẩn. Chúng tôi tìm thấy ở Dương Lôi có 3 cuốn sách chép tay, 6 tờ đôi hương ước, 28 tờ đôi sách Lễ văn, 9 đạo sắc phong, 3 tấm bia đá… và một số bằng chứng chứng minh điều ấy”.
TS Cung Khắc Lược
“Khu sơn lăng cấm địa của nhà Lý được xây dựng trên cánh đồng của các làng Dương Lôi, Đình Bảng, Đại Đình và chỉ mới thành đất riêng của làng Đình Bảng hơn trăm năm nay, chứ không phải vì là quê nội của nhà Lý. Dù vai trò và vị trí của làng Đình Bảng trong hương Cổ Pháp có quan trọng đến thế nào, chúng ta vẫn không có cơ sở khẳng định Đình Bảng là quê nội hay là nơi sinh thành Lý Thái Tổ”.
TS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển)