Người thầy đó của vua Hàm Nghi là thầy Nguyễn Nhuận (Nguyễn Văn Nhuận), quê ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Thầy Nhuận dù chỉ đỗ cử nhân, nhưng được kính nể không chỉ vì trí tuệ uyên thâm mà còn ở tính liêm khiết. Sau một thời gian mở trường dạy ở quê, ông được mời vào kinh dạy con cháu hoàng tộc, trong đó có Hoàng thân Ưng Lịch, con trai Kiên Thái vương Hồng Cai, cháu nội vua Thiệu Trị.
Sau khi vua Kiến Phúc mất, năm 1884 triều đình tôn Hoàng thân Ưng Lịch lên làm vua, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Nhớ ơn thầy, vua Hàm Nghi muốn phong cho thầy Nguyễn Nhuận một chức quan. Nghĩ đến Quảng Bình có vùng đất Tuyên Hóa nghèo khổ lại toàn là núi rừng, dân chúng ít học, thầy Nguyễn Nhuận xin được về Tuyên Hóa nhận chức Tri huyện.
Thời gian cụ làm quan ở huyện này, toàn huyện không có ăn xin ăn mày, không có trộm cắp, vườn tược thông thương, hoa quả không bị mất trộm, nhà nhà không phải đóng cửa khi chủ đi vắng… nên nhân dân địa phương rất biết ơn.
Hiện ở làng Quảng Xá, quê ông vẫn lưu giữ đôi cấu đối sơn son thếp vàng, nguyên văn chữ Hán là: “Thiên địa hữu sinh thiên địa ngẫu. Đế vương chi hậu đế vương sư”. Dịch nghĩa là: “Sinh ra trời đất là quy luật tự nhiên. Sinh ra vua phải có thầy dạy vua”, ý ca ngợi mảnh đất sinh ra bậc “vương sư” này.
|
Vua Hàm Nghi. |
Năm 1885, vua Hàm Nghi đem gia quyến cùng Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết rời bỏ kinh thành ra Quảng Bình, Quảng Trị, phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, đánh lại người Pháp để cứu nước. Để đối phó, người Pháp lập anh cả của vua là Hoàng thân Ưng Kỷ lên ngôi, lấy niên hiệu là Đồng Khánh.
Trong suốt thời gian kháng chiến của vua Hàm Nghi, vua anh Đồng Khánh và 3 bà Thái hậu liên tục gửi thư kêu gọi vua trở về nhưng ông khẳng khái từ chối. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Paul Bert cũng định lập Hàm Nghi làm vua 4 tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh Bình nhưng cũng không thành. Nhà vua thường nói mình ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa của người.
Mãi đến năm 1888, người Pháp mới bắt được vua Hàm Nghi tại Tuyên Hóa, Quảng Bình, do sự phản bội của tên thuộc hạ Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc. Lúc đó, vua Hàm Nghi mới được 17 tuổi.
Lúc đầu sau khi bị bắt, nhà vua không nhận mình chính là bậc đế vương. Khi quân Pháp đón ngài vào đồn binh, cho binh lính xếp hàng chào, nhà vua thản nhiên nói: “Tôi chỉ là bề tôi, không dám nhận lời chúc mừng của các ông. Vua Hàm Nghi của chúng tôi hiện ở trong rừng sâu”.
Do nhà vua không thừa nhận thân phận khiến quân Pháp vô cùng lo lắng, tìm mọi cách để chứng minh là bắt được đúng người. Biết người Á Đông cũng như các bậc vua chúa luôn trọng tình, nghĩa, trọng đạo “tam cương”, nên họ điều thầy giáo cũ của vua là Nguyễn Nhuận đến gặp.
Khi gặp thầy giáo cũ Nguyễn Nhuận, vua Hàm Nghi liền đứng thẳng dậy vái tay chào. Từ đó, quân Pháp mới biết đích xác rằng người mà chúng bắt được chính là vị vua trẻ tuổi, yêu nước.
Sau khi bị bắt, vua Hàm Nghi cự tuyệt mọi sự dụ dỗ, mua chuộc của quân giặc. Bất lực trước tinh thần bất khuất của ông, ngày 13/12/1888, quân Pháp bắt vua lên thuyền đưa đi đày ở Algeria - một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Cựu vương qua đời tại đây năm 1944 vì bệnh ung thư dạ dày.
Vua Hàm Nghi, cùng với các vua Duy Tân, Thành Thái là những vị vua yêu nước của nhà Nguyễn, luôn tìm cách chống lại thực dân Pháp lúc chúng áp đặt chế độ đô hộ lên nước ta. Tình yêu nước đó của nhà vua cũng một phần bắt nguồn từ những bài học mà người thầy đã dạy dỗ từ thuở nhỏ.