Chuyện hoàng đế bị cướp trắng tài sản chấn động sử Việt

Google News

(Kiến Thức) - Trong những giai đoạn xã hội loạn lạc, vương triều suy thoái, chuyện hoàng đế bị cướp mất đồ, tưởng là lạ nhưng chẳng phải lạ.

Vua là người đứng đầu thiên hạ, quyền uy tối cao, thế nhưng ở thời kỳ vương triều suy thoái, xã hội loạn lạc bất ổn thì không chuyện gì là không thể xảy ra. Cũng chính bởi vậy, chuyện hoàng đế bị cướp mất đồ, tưởng là lạ nhưng chẳng phải lạ.
Lý Huệ Tông nhiều lần bị cướp bóc
Lý Huệ Tông tên húy là Lý Hạo Sảm, là hoàng đế thứ 8 của vương triều Lý, ở ngôi 14 năm (1210 - 1224) trong thời buổi vương triều đã suy yếu. Sách Đền Đô, Đình Bảng, âm vang Lý triều có thơ tóm lược như sau:
Lý Huệ Tông có phần thua kém,
Nối ngôi cha lại hiếm con trai.
Việc dân, việc nước trong ngoài,
Có ai tài giỏi là người lo toan?
*
Mười bốn năm ông làm hoàng đế.
Nhưng binh nhung quyền thế bao nhiêu?
Tháng năm quanh quẩn trong triều,
Không con nối dõi là điều khổ tâm.
Nhà sử học triều Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên bàn rằng: “Đời Huệ Tông cái rường mối hư hỏng của thiên hạ đã quá lắm mà vua thì không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa mối hư hỏng lâu ngày thì làm thế nào được. Huống chi Huệ Tông lại bị chứng hiểm, chữa thuốc không được; lại không có con trai để nối nghiệp lớn. Thế là cái điềm nguy vong đã hiện ra rồi” (Đại Việt sử ký tiền biên).
Chính vì sống ở thời loạn nên nhiều lần vua chạy đi lánh nạn ở nhiều nơi, lúc thì đi Đông Ngạn (nay là Đông Anh, Hà Nội), khi chạy sang Đại Thất (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), thậm chí có lần phải chạy lên Lạng Châu (Lạng Sơn ngày nay)…
Với mong muốn lập lại trật tự, Lý Huệ Tông cũng cố gắng tìm cách dẹp loạn nhưng không thành, thậm chí không ít lần những vật dụng biểu tượng cho vương quyền của vua còn bị cướp mất. Thí dụ vào tháng 2 năm Nhâm Thân (1212) vua tự dẫn quân đánh phản loạn ở ngoại thành Thăng Long bị đại bại, mất cả thanh bảo kiếm, xuýt bị chúng bắt được. Tháng giêng năm Giáp Tuất (1214) vua lại đem quân đánh phản loạn ở Mễ Sở (nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên) thua to, bị cướp mất thuyền rồng. Trong những lần chạy loạn, Lý Huệ Tông còn bị cướp mất cả mũ vua (mũ bình thiên) và ghế ngự, kim ỷ (ghế thếp vàng).
Chuyen hoang de bi cuop trang tai san chan dong su Viet
 Tượng thờ vua Lý Huệ Tông ở lăng Long Trì (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Lê Thái Dũng. 
Trần Dụ Tông đi chơi đêm bị cướp mất gươm, ấn
Trần Dụ Tông, vị vua thứ 7 của nhà Trần, tên thật là Trần Hạo ở ngôi vua 28 năm (1341-1369), đặt hai niên hiệu là Thiệu Phong (1341-1357) và Đại Trị (1358-1369).
Thời gian đầu làm vua, Trần Dụ Tông quan tâm đến chính sự, làm được nhiều điều ích lợi, cải tổ bộ máy chính quyền, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, giao thương buôn bán với nước ngoài. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết:
Dụ Tông em lại thừa diêu,
Ngôi thay anh cả, quyền theo Thượng hoàng.
Thượng thư mới đặt tỉnh đường,
Đề hình, Chuyển vận chức thường có tên.
Khuyến nông sai sứ đồn điền,
Vân Đồn đặt trấn tra thuyền khách nhân.
Khu Tào thống lĩnh cấm quân,
Phong đoàn lại mới kén dần các đô.
Uy danh xa động biên ngu,
Chiêm Thành Chế Mộ dâng đồ thổ nghi.
Đến giai đoạn sau, Trần Dụ Tông lại bỏ bê triều chính, ham mê tửu sắc, ăn chơi sa đọa, ra lệnh cho xây nhiều cung vàng điện ngọc, thu sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân vô cùng khổ sở và ca thán. Trong nước, giặc giã nổi lên khắp nơi, tại triều đình thì gian thần kéo bè kết đảng... Sách Việt sử tiêu án đánh giá về Trần Dụ Tông như sau: “Việc văn võ đều sửa sang chu đáo, trong nước bình yên, ngoại bang mến phục. Khi nước được đại trị rồi thì sinh ra ham mê chơi bời, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy dần”.
Chuyen hoang de bi cuop trang tai san chan dong su Viet-Hinh-2
 Tượng Trần Dụ Tông tại Đền Trần (Nam Định). Nguồn: dulichnamdinh
Vào một đêm mùa hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ (1366), vua đi chơi ở hương Mễ Sở (nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên) nửa đêm mới trở về kinh, đến sông Chử Gia thì bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả gươm báu lẫn ấn báu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 6, vua ngự thuyền nhỏ đến chơi nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở, đến canh ba mới về, khi tới sông Chử Gia bị cướp mất ấn báu, gươm báu. Vua tự biết mình không sống lâu, càng thả sức chơi bời”.
Chuyện Trần Dụ Tông bị cướp mất cả ấn báu và gươm báu còn thấy ghi rõ trong các sách như Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Việt sử địa dư … Riêng có sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng những đồ báu đó bị ăn trộm chứ không phải bị cướp: “Nhà vua đi chiếc thuyền nhỏ, đêm đến chơi nhà riêng của thiếu uý Trần Ngô Lang, nửa đêm đi về, khi đến bãi Chử Gia, bị kẻ trộm lấy mất cả ấn báu và gươm báu”.
Bi hài chuyện Lê Chiêu Thống bị cả quan lẫn dân trấn, cướp
Lê Chiêu Thống tên thật là Lê Duy Kỳ, có tên khác là Lê Tư Khiêm, thụy hiệu là Lê Mẫn Đế. Ông là hoàng đế cuối cùng của nhà Hậu Lê, ở ngôi hơn 2 năm (1786 - 1789) để lại tiếng xấu “cõng rắn cắn gà” cầu viện quân Thanh nhằm mục đích lấy lại ngai vàng nhưng đó là chuyện về sau, còn trước đó Lê Chiêu Thống đã gặp cảnh bi hài chưa từng có trong lịch sử.
Chuyện xảy ra vào tháng 9 năm Đinh Mùi (1787), nghe tin tướng cũ của mình là Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở đất Bắc, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm đem quân ra đánh. Vua Lê Chiêu Thống không biết thế nào, hoảng sợ chạy theo Nguyễn Hữu Chỉnh sang đất Kinh Bắc. Khi đến nơi, Nguyễn Hữu Chỉnh qua sông Như Nguyệt tìm chỗ đóng quân, sai trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Cảnh Thước (còn gọi là Thước Vũ) hộ giá đi sau. Không ngờ viên quan này thấy vua ở cảnh sa cơ, chỉ có mấy chục người hầu cận nên đã ép vua đưa tiền bạc rồi mới tìm thuyền chở qua sông. Lê Chiêu Thống còn bốn mươi lạng vàng đều phải đưa ra hết.
Chuyen hoang de bi cuop trang tai san chan dong su Viet-Hinh-3
Hoàng đế bị lột long bào (Tranh minh họa). Nguồn: www.worldstar.vn.
Tình cảnh vua quan nhà Lê khi đó được sách Hoàng Lê nhất thống chí viết như sau: “Thước liền gọi lái đò đưa thuyền đến bến, chở nhà vua và đám người cùng đi qua sông. Khi vua đã lên bờ, Thước lại cho người đuổi theo, lột chiếc ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt, cởi ngự bào trao cho chúng rồi chạy về núi Như Thiết”.
Trong sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn rằng:
Văn Nhậm kéo đến Thăng Long,
Lê Hoàng thảng thốt qua sông Nhị Hà.
Bắc Ninh cũng đất dân nhà,
Bạc thay Cảnh Thước sao mà bất nhân.
Lỡ nào quên nghĩa cố quân,
Đóng thành không rước, sai quân cướp đường.
Ngự bào cũng nhuộm màu sương,
Nguyệt Giang, Mục Thị nhiều đường gian nguy.
Còn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết, những tùy tùng của vua cũng bị “Cảnh Thước tung thủ hạ ra chặn đường, cướp bóc những kẻ đi theo ngự giá”. Theo sách Lê triều dã sử thì trước đó xa giá và tùy tùng theo Lê Chiêu Thống đã bị dân chúng ở vùng Thị Cầu và Đáp Cầu kéo đến cướp bóc của cải: “Hoàng thượng cùng với Chỉnh đến Kinh Bắc, quan trấn là Thước Vũ đóng giữ thành không dung nạp, lại bị dân Thị Cầu và Đáp Cầu cướp hết của cải trong khi lính đuổi bắt của Vũ Văn Nhậm đã áp sát phía sau”.
Nhận xét về thảm cảnh chung của Lê Chiêu Thống, sách Việt sử chí dị có viết: “Nội các vua trong lịch sử nước nhà cổ lai, chỉ có vua Lê Mẫn Đế gặp nhiều nỗi gian truân, nếm đủ mùi cay đắng, thân thế khổ nhục lao đọa, đáng cho người ta ca khóc bi thương hơn cả. Trước đây và sau này, tuy có lắm ông cũng vì quốc nạn mà phải bôn ba khốn đốn, tạm gọi là phong trần, cho đến nỗi ẩn núp vào thâm sơn cùng cốc hàng đôi ba năm, nhiều lúc nhịn đói nhịn khát, nhưng sánh lại cũng chưa bằng nửa phần của Lê Mẫn Đế”.
Mời độc giả xem Video: Chiêm ngưỡng áo long bào của vua Bảo Đại được phục chế tiền tỷ - Nguồn: NLĐ. 

Lê Thái Dũng

Bình luận(0)