Các vĩ nhân tuổi Thân lừng danh lịch sử Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Dân gian thường nghĩ tuổi Thân là kém nhưng sự thực trong lịch sử Việt Nam có khá nhiều vĩ nhân danh tiếng lẫy lừng lại là người tuổi Thân.

Tuy dân gian Việt Nam truyền tụng câu “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi, Còn đây tôi lại ngậm ngùi tuổi Thân” để than vãn về sự vất vả, long đong khi mang tuổi khỉ; nhưng các sách viết về 12 con giáp thì lại có những đánh giá khác hẳn. Cuốn "Bí ẩn đời người và 12 con giáp" viết: “Những người tuổi Thân là những con người nhiệt tình, tự tin và có tinh thần trách nhiệm cao. Bất cứ lúc nào họ cũng dồn hết tâm trí, sức lực để làm việc, kể cả trong gian khổ”.
Sách "Biểu tượng và chuyện 12 con vật" thì khẳng định: “Người tuổi Thân có tài, sáng suốt, lại có chí tiến thủ mạnh mẽ, nhanh nhẹn, lanh lợi, dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh. Đặc biệt tuổi này có tính cách cứng rắn, thích cạnh tranh trên trường đời, sống hướng ngoại... Người tuổi Thân có tài tổ chức các đoàn thể, nghiệp đoàn, có người thăng tiến trở thành chính khách, nguyên thủ, vĩ nhân”.
Lược lại lịch sử Việt Nam, chúng tôi thấy rằng ở khắp các tuổi Thân qua các thời kỳ đều có những danh nhân tuổi Thân xuất chúng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập được một số người nổi bật.
Nguyễn Trãi – khai quốc công thần triều Lê
Nguyễn Trãi sinh năm 1380 là tuổi Canh Thân. Ông là cháu ngoại nhà quý tộc Trần Nguyên Đán. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh cũng là một Nho sĩ. Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ) dưới triều Hồ và cả hai cha con ông làm quan cho triều Hồ nhưng không được bao lâu thì nhà Minh xâm lược nước ta và nhà Hồ sụp đổ.
Cac vi nhan tuoi Than lung danh lich su Viet Nam
 Tranh vẽ Nguyễn Trãi đứng bên Lê Lợi.
Trong khoảng 10 năm kể từ sau khi nhà Hồ sụp đổ đến khi diện kiến Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã lưu lạc khắp nơi. Theo "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, Trương Phụ từng đem chức quan dụ dỗ nhưng Nguyễn Trãi không theo. Phụ giận muốn giết ông nhưng Hoàng Phúc tiếc tài nên tha cho và giam lỏng ở Đông Quan không cho đi đâu. Nguyễn Trãi giận quân Minh độc ác tham lam, muốn tìm một vị chân chúa để thờ nhưng chưa biết tìm ở đâu bèn bỏ trốn đi. Một đêm ông ngủ ở quán Trấn Vũ cầu mộng được thần báo cho tên họ của Lê Thái Tổ nên bèn tìm đường vào Lam Sơn tham gia khởi nghĩa.
Gặp Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi dâng lên Bình Ngô sách trình bày chiến lược đánh đuổi quân Minh. Sách này ngày nay đã thất truyền nhưng các nhà nghiên cứu cho biết rằng ông không chủ trương đánh thành mà chủ yếu đánh vào lòng người để đi đến thắng lợi. Chính ông trong suốt quá trình đi theo Lê Lợi đã phụ trách việc thư từ bang giao với quân Minh để đấu tranh ngoại giao. Điều đó ngày nay còn được chứng minh qua sách “Quân trung từ mệnh tập”.
Sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua đã phong thưởng cho các công thần. Nguyễn Trãi cũng được ban họ Lê (tức quốc tính lúc đó) và được khắc tên trên biển Khai quốc công thần. Bên cạnh đó, ông cũng được Lê Lợi giao trọng trách soạn "Bình Ngô đại cáo" để bố cáo với thiên hạ công cuộc kháng chiến chống Minh đã thắng lợi. Ngày nay "Bình Ngô đại cáo" được coi là một bản “thiên cổ hùng văn” và cũng là một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc Việt Nam.
Đào Duy Từ - Gia Cát Lượng của chúa Nguyễn
Đào Duy Từ là một quân sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Ông theo phò chúa Nguyễn đã giúp xứ Đàng Trong trở nên hùng mạnh và đủ sức đối địch với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Ngày nay nhắc đến Đào Duy Từ, người đời có hai thứ thường nói. Một là tác phẩm binh pháp Hổ trướng khu cơ – một cuốn binh thư đã được Đào Duy Từ trước tác thể hiện tài thao lược của ông. Hai là Lũy Thầy – công trình chúa Nguyễn cho xây dựng dựa trên mưu kế của ông.
Cac vi nhan tuoi Than lung danh lich su Viet Nam-Hinh-2
 Tranh vẽ cảnh Đào Duy Từ bày mưu kế cho chúa Nguyễn.
Đào Duy Từ sinh năm 1572 là tuổi Nhâm Thân. Ông vốn là người ở làng Hoa Trai (nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) và sinh ra trong một gia đình có nghề kép hát. Từ 5 tuổi ông đã mồ côi cha nhưng người mẹ ở góa tần tảo nuôi ông ăn học. Ông thông minh học giỏi có tiếng từ nhỏ nhưng theo luật lệ phong kiến ông là con nhà kép hát mà thời xưa gọi khinh bỉ bằng cái tên “xướng ca vô loài” nên không được phép đi thi cử để ra làm quan.
Để cho con được đi thi, mẹ của Duy Từ đã đút lót cho viên xã trưởng để đổi Duy Từ sang họ Vũ theo họ mẹ. Năm 21 tuổi, Duy Từ đi thi Hương đậu Á Nguyên và tiếp tục có bài làm rất tốt ở kỳ thi Hội. Nhưng chính lúc này, do nhiều nguyên nhân, việc đổi họ bị phát giác và ông bị giam vào ngục tra xét còn mẹ ông thì phẫn uất mà phải tự tử.
Sau sự việc này, Đào Duy Từ trở về quê nhà sống trong niềm phẫn uất vì có nhiều hoài bão mà không có đất dụng võ. Sau gần 30 năm sống trong đau khổ, ông quyết định tìm vào Nam theo chúa Nguyễn vì nghe tiếng chúa Nguyễn trọng hiền tài.
Khi vào trong Nam, hữu xạ tự nhiên hương, ông được một phú hộ tiến cử lên chúa Nguyễn. Trong cuộc gặp đầu tiên, chí khí của ông đã khiến chúa Nguyễn nhận ra một nhân tài đích thực nên dùng lễ hậu đối đãi, nhận ông làm quân sư, ngày đêm cùng bàn việc quân việc nước.
Cac vi nhan tuoi Than lung danh lich su Viet Nam-Hinh-3
Minh họa chân dung Đào Duy Từ. Nguồn: Internet.
Đào Duy Từ đã hiến kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục và lũy Thầy ở Quảng Bình để chống lại quân Trịnh. Các lũy này sau đó đã giúp quân Nguyễn rất nhiều trong các đợt bị quân Trịnh tiến đánh. Bình thời các lũy này được canh gác rất nghiêm ngặt nên người đời có câu thơ ca ngợi rằng: Khôn quan qua cửa sông La, Dẫu rằng có cánh khó qua lũy Thầy.
Mặc dù Đào Duy Từ chỉ phục vụ chúa Nguyễn 8 năm thì mất nhưng sau này khi nhà Nguyễn thành lập, quốc sử quán triều Nguyễn trong sách "Đại Nam thực lục tiền biên" đã đánh giá ông là khai quốc công thần hàng đầu. Vua Minh Mạng sau này cũng gia phong cho ông tước Hoằng Quốc Công.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, trong sách "Việt sử giai thoại" tập 6 cũng có lời bàn rằng: “Đào Duy Từ, người mà chúa Trịnh khinh khi chỉ về ông là con phường chèo, chẳng dè lại là người mưu sâu kế hiểm, chúa Nguyễn sánh ông với Tử Phòng và Khổng Minh thì có thể là chưa đúng, nhưng chắc chắn là cũng chẳng sai bao nhiêu”.
Nam Khánh

Bình luận(0)