Gia Long là niên hiệu của vị vua khai mở vương triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Cuộc đời vị vua này trải bao khó khăn, gian khổ nhưng với sự kiên trì nỗ lực cùng nhiều yếu tố khác, trong đó một phần nhờ vào sức khỏe dẻo dai mà ông đã vượt mọi thử thách để đạt được mục đích lớn lao của mình.
Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, sinh vào ngày 15 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (tức ngày 8 tháng 2 năm 1762), cha là Công tử Nguyễn Phúc Luân – con trai chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát; thân mẫu là bà Nguyễn Thị Hoàn, vợ thứ hai của ông Nguyễn Phúc Luân.
Họ Nguyễn làm chúa, xưng vương ở Đàng Trong được khoảng 200 năm thì bị lật đổ bởi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), quân Tây Sơn bắt sống Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương và đến tháng 10 cùng năm thì bắt được Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần đưa về Gia Định xử tử. Sau khi các nhân vật chủ chốt của dòng tộc Nguyễn Phúc bị bắt, giết trong cuộc chiến với Tây Sơn, trách nhiệm khôi phục quyền vị của dòng họ này đặt lên vai Nguyễn Phúc Ánh.
|
Vua Gia Long khi còn trẻ. (Hình minh họa – Nguồn: vtc) |
Từ nhỏ cho đến khi được tôn lên làm chúa năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh không ít lần phải chạy nạn khắp nơi, bôn ba khổ cực, thậm chí trốn ra các hải đảo như Phú Quốc, Côn Lôn… rồi lưu vong sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay).
Trong những ngày tháng bôn tẩu ấy, có lúc lương thực hết, phải ăn trái cây, bốc cơm nguội, mắm ruốc hoặc dùng cơm với mắm tôm và các gia vị như hồ tiêu, ớt, hồi hương, quế chi, tỏi, gừng, ô mai tán nhỏ hòa trộn lẫn. Chúa tôi vừa ăn vừa động viên nhau: "Lam chướng ở trên rừng, trên biển nhiều, ăn các thứ này tốt lắm, cũng là để tỏ ra cùng các khanh tân khổ có nhau".
Bí quyết để có sức khỏe dẻo dai
Ăn uống đạm bạc do hoàn cảnh bắt buộc tạo thành thói quen ăn uống đơn giản, không cầu kỳ. Thậm chí cả khi ở ngôi vị đế vương, bữa cơm của vua Gia Long không có sơn hào hải vị phức tạp, tốn kém mà rất dân dã.
Bên cạnh đó sinh hoạt khoa học, hợp lý kết hợp với hoạt động trí não cùng sự vận động chân tay đã giúp Gia Long có một thể lực khỏe mạnh. So với các vua triều Nguyễn mất khi tại vị, ông chính là người có tuổi thọ cao nhất, Gia Long qua đời ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (tháng 2/1820), thọ 59 tuổi.
Trong cuốn A voyage to Cochinchina in the year 1792 – 1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong năm 1792 – 1793) của John Barrow - nhà du hành người Anh xuất bản năm 1806 có viết về sinh hoạt thường nhật của vua như sau:
"Để ông có thể tham gia tốt hơn vào những công việc của chính quyền cai trị, lối sống của ông đã được điều chỉnh theo một kế hoạch cố định. Lúc 6 giờ sáng, vua trở dậy, đi tắm nước lạnh; tới 7 giờ, vua tiếp các quan, tất cả những thư từ tấu biểu nhận được của ngày hôm trước đều được tuyên đọc, những mệnh lệnh của vua về các tấu biểu này được ghi chép tỉ mỉ. Sau đó ông đi đến các xưởng quân dụng hải quân, xem xét những công việc….
Vào khoảng 12 giờ trưa hoặc một giờ chiều, ông dùng bữa ngay ở xưởng đóng tàu, gồm có một ít cơm ăn với cá khô. Lúc 2 giờ chiều, vua lui về phòng mình và ngủ cho tới lúc 5 giờ. Khi đó vua lại trở dậy, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân, người cầm đầu các tòa án hay các công sở".
|
Chân dung hoàng đế Gia Long. (Hình minh họa- Nguồn: ABS Travel) |
Sách sử triều Nguyễn cho biết, trong các bữa ngự thiện giản đơn, Gia Long không có thói quen dùng rượu, kể cả rượu thuốc để tăng cường sức khỏe hay rượu Tây. Lý do là vua cho rằng rượu có tác hại đến sức khỏe, tinh thần nên ông không uống, dù chỉ là một giọt.
Trong cuốn sách của mình, John Barrow cũng viết về thói quen ăn uống của Gia Long như sau: "Ông không dùng rượu Tàu hay bất kỳ loại đồ uống có chất cồn nào, ăn rất ít thịt; một ít cá, cơm, rau, hoa quả, nước trà và bánh bột nhẹ là những đồ ăn uống chính hàng ngày".
Một người phương Tây khác là linh mục Lelabrousse người Pháp, trong một bức thư đề ngày 01/5/1800 gửi cho giám đốc trường Tu nghiệp của hội truyền giáo ngoại quốc ở Paris có đoạn viết về lý do vua Gia Long không uống rượu, theo đó:
"Thuở còn trẻ tuổi, Ngài có tật nghiện rượu, nhưng đến khi phải điều hành các việc chính trị, binh cơ, trách nhiệm nhà nước nhất nhất quan hệ ở mình, thì Ngài quyết chừa rượu ngay, chừa một cách quyết liệt, đến nỗi từ đó về sau không nhấp một giọt rượu nào vào môi nữa.
Chính Ngài thường nói: Tôi nghĩ ở đời không có thứ gì làm mất phẩm giá người ta nhiều bằng cái tật quá chén; không có thứ gì tai hại cho bằng rượu, nó khiến người ta hư hèn vô lực đủ đường; không có thứ gì tệ cho bằng rượu, nó khiến sinh ra lắm sự lỗi lầm, lắm cảnh khốn đốn. Một kẻ rượu chè say sưa chẳng nên cai quản, sai khiến ai bao giờ. Con người ta, đến bản thân còn chẳng tự trị nổi thì mong trị thiên hạ làm sao được?".
Tác giả Đào Trinh Nhất trong cuốn Việt sử giai thoại, khi nhắc đến câu chuyện vua Gia Long bỏ rượu đã bình luận: "Nội một việc ấy, đủ tỏ ra vua Gia Long có đức tính tự cường hiếm hoi. Tuy chừa rượu không phải là một việc trọng đại cho bằng ý chí sửa đổi một nước, nhưng chẳng phải ai muốn cũng làm được, huống chi lại là vua chúa.
Ở thời đại quân chủ độc tôn, một người phú quý đến thế bỗng dưng gác chén đập be, cả quyết chừa rượu cho đến một giọt cũng không để thấm môi, thiết tưởng ai cũng phải cho là một sự ít thấy trong lịch sử đế vương, và nếu không có chí tự cường đáo để, chắc không làm nổi".
Phải chăng chính việc ăn uống đơn giản, không ăn nhiều thịt, không uống rượu, thường xuyên uống trà, ăn nhiều rau và hoa quả cùng với vận động thể lực, ngủ nghỉ điều độ chính là bí quyết giúp cho vua Gia Long có một sức khỏe tuyệt vời và giữ được tinh thần minh mẫn, sáng suốt để hoàn thành đại nghiệp thống nhất đất nước, điều hành chính sự với nhiều thành tựu to lớn, đáng ghi nhận.
Trong sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim có những dòng ca ngợi về vị vua này như sau: "Vua Thể Tổ là ông vua có tài trí, rất khôn ngoan, trong 25 năm trời, chống nhau với Tây Sơn, trải bao nhiêu lần hoạn nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ một niềm lo sợ khôi phục.
Ngài lại có cái đức tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn, là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà, và sửa sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy".